Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động

(BKTO) - Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tác động, nhất là khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.

231120230848-pham-thi-kieu.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều phát biểu góp ý về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đề xuất nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW.

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông), việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho thấy Dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28/NQ-TW đó là “mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay phụ cấp hàng tháng cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn. Trong khi đó, số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn việc bổ sung các đối tượng thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, do các đối tượng này không phải người hưởng tiền lương và chưa chắc chắn có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên mà bắt buộc phải tham gia BHXH.

Theo đại biểu, nên quy định hình thức khuyến khích tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này để đảm bảo tính tương thích, thống nhất đối với quy định tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo Luật: BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động có quyền tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhận xét, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như Dự thảo Luật là khá bao trùm các đối tượng và rất rộng. Đại biểu đề nghị cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi của quy định này. Bởi thực tế đối tượng lao động này rất rộng, làm nhiều công việc và thường xuyên di chuyển, trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này. Do dó, cần có chế tài để đảm bảo tính khả thi cho đối tượng này.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cũng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu quy định tại điểm a, khoản 1, điều 3 của Dự thảo Luật về mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc là “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động”.

“Quy định trên rất khó triển khai trong thực tế và không thể áp dụng một cách triệt để, hiệu quả. Bởi, hiện nay có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù không có giao kết hợp đồng lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng làm cơ sở cho việc đóng BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện” - đại biểu nêu quan điểm, đồng thời đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc để bảo đảm tính khả thi và bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

231120230830-z4906692440846_bed1bafdb337f0b0096c6d5564aea965.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) lưu ý, việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích, chi phí khi tham gia BHXH bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.

Chỉ ra thực tiễn việc trốn, chậm đóng BHXH vẫn là câu chuyện chưa có lời giải hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, nếu đã quy định tham gia BHXH bắt buộc thì phải có chế tài kiểm soát, xử phạt nghiêm minh. “Vấn đề này chúng ta đã có giải pháp gì mới trong thời gian tới? Nếu không chính sách sẽ nằm trên giấy” - đại biểu nêu vấn đề.

Theo đại biểu, để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích bước đầu bù đắp một phần đối với các đối tượng này. Ví dụ như có chính sách ưu đãi trong vòng 5 năm, đồng thời có chính sách bảo hiểm bắt buộc linh hoạt theo nguyên tắc là đóng ít - hưởng ít, đóng nhiều - hưởng nhiều để tạo sự lựa chọn và sự hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc./.

Cùng chuyên mục
  • Người lao động BSR dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 23/11, tại tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong khuôn viên Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố Thủ tướng (23/11/1922 - 23/11/2023) và kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2023).
  • Rút bảo hiểm xã hội một lần: Khó có phương án chỉ toàn ưu điểm
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Quy định về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau, sau khi Luật có hiệu lực - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 23/11.
  • Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về rút bảo hiểm xã hội một lần
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận sáng 23/11, quy định về rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, tranh luận sôi nổi với những quan điểm trái chiều.
  • Để tài nguyên rừng thực sự là “vàng”
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trên 23.000 tỷ đồng được thu về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương (giai đoạn 2011-2022); 83% nguồn lực đầu tư cho phát triển rừng là nguồn vốn xã hội… Đây là những minh chứng điển hình cho chủ trương xã hội hóa trồng, bảo vệ rừng đang mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác phát triển rừng hiện nay.
  • Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra tình hình thực hiện các quy định bảo hiểm
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều ngày 22/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị giao ban công tác thanh tra, kiểm tra năm 2023.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động