Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, rào cản bắt nguồn từ những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, quy định pháp luật là một trong những “lực cản” có thể bào mòn “sức khỏe” và làm giảm niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh nhằm khơi thông các động lực phát triển cho DN.

13.jpg
DN trông chờ việc thực thi hiệu quả các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh minh họa

Hệ thống giấy phép kinh doanh vẫn còn nhiều và phức tạp

Nhìn lại hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, trên một số bảng xếp hạng toàn cầu, năm 2023, thứ hạng của Việt Nam được cải thiện so với trước. Cụ thể, về trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 13 bậc, từ vị trí 72 lên vị trí 59; chỉ số Năng lực đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, từ vị trí 48 lên vị trí 46… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. Chẳng hạn, chỉ số Đổi mới sáng tạo dù tăng bậc nhưng điểm số chất lượng pháp luật và thực thi pháp luật đều sụt giảm; chỉ số Phát triển bền vững vẫn “dậm chân tại chỗ” ở vị trí 55 và điểm số cũng không có nhiều thay đổi (72,8 điểm năm 2022 so với 73,32 điểm năm 2023)… Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chưa đáp ứng được kỳ vọng và chưa đủ mạnh so với các quốc gia khác.

Ở trong nước, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động cải cách đang có xu hướng chậm lại, môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Chẳng hạn như, quy định về giấy phép kinh doanh còn phức tạp, chồng lấn, ví dụ: Luật Giao dịch điện tử bổ sung ngành nghề “kinh doanh dịch vụ tin cậy” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong đó có hoạt động kinh doanh “dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử” do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Trong khi đó, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện “dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại” lại do Bộ Công Thương cấp phép. Như vậy có thể thấy, phạm vi của hai ngành nghề này là chồng lấn, theo đó, DN kinh doanh ngành nghề “chứng thực dữ liệu điện tử” trong đó có “chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại” sẽ phải xin 2 giấy phép ở 2 cơ quan có thẩm quyền khác nhau và chịu sự quản lý của 2 cơ quan.

Bên cạnh đó, thực trạng giấy phép kinh doanh vẫn còn phức tạp và còn quá nhiều. Đơn cử, để xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, DN phải có đến 3 loại giấy phép, bao gồm: Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Trong khi đó, để được cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, DN trước đó đã phải có “Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự” và “Giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự”. Vì vậy, yêu cầu DN phải có thêm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu là quá mức cần thiết… “Những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật sẽ là lực cản lớn đối với quá trình phục hồi “sức khỏe” của cộng đồng DN, vốn đã bị “bào mòn” bởi đại dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Vai trò của người đứng đầu quyết định sự thành công

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 được Chính phủ đặt ra là tập trung vào việc nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các DN tư nhân trong nước, với mục tiêu rõ ràng là làm sao tăng được nhiều DN thành lập mới và giảm thiểu số DN rời bỏ thị trường. Điều này có nghĩa rằng, ngoài việc khắc phục các khó khăn từ thị trường, cần phải giảm thiểu các khó khăn từ cơ chế, chính sách để các DN dễ dàng gia nhập thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi. “Tinh thần của chính sách là hàng hóa của Việt Nam, DN và nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu hệ thống quy định pháp luật đơn giản hơn, thuận lợi hơn và cạnh tranh hơn so với các quốc gia trong khu vực” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ đòi hỏi đó, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, có 3 điểm cần chú trọng để tạo lực đẩy phát triển DN cũng như tháo gỡ các rào cản của môi trường kinh doanh. Trước hết, vai trò chủ động và trực tiếp chỉ đạo của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng quyết định thành công của quá trình cải cách. Ở đâu, lĩnh vực nào có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao và trách nhiệm của người đứng đầu thì địa phương đó, lĩnh vực đó có sự chuyển biến khác biệt, tạo cơ hội kinh doanh bứt phá.

Thứ hai, cơ chế đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập về quá trình thực thi cũng là yếu tố tác động tới hiệu quả cải cách. Theo đó, sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ là cần thiết để tạo áp lực thúc đẩy quá trình này. Việc theo dõi, giám sát của các bên độc lập, các hiệp hội, cơ quan truyền thông cũng đặc biệt có ý nghĩa, góp thêm quan điểm đánh giá khách quan, từ đó tạo động lực thay đổi thực chất.

Thứ ba, sự chia sẻ, đóng góp chủ động, tích cực của các DN, hiệp hội DN về kết quả cải cách, các vấn đề tồn tại và kiến nghị cũng thực sự có ý nghĩa đối với việc thực thi hiệu quả các hoạt động cải cách môi trường kinh doanh. “Thách thức lớn là cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên. Vì vậy, việc tổ chức thực thi hiệu quả các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh là điều DN trông chờ hơn cả; trong đó, sự chủ động và trực tiếp của người đứng đầu các Bộ, ngành, cơ quan là yếu tố quan trọng quyết định thành công” - bà Thảo nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản