Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn
Trong thời gian qua, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế như: kiểm toán thường xuyên việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; kiểm toán theo chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, các Chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm toán theo yêu cầu của nhà tài trợ… Về cơ bản, KTNN đánh giá Bộ Y tế đã quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, quy định, có hiệu quả, góp phần để ngành Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí Nhà nước cấp còn hạn hẹp.
Bộ Y tế đánh giá cao các nhận xét, kết luận, kiến nghị của KTNN trong các cuộc kiểm toán, đã giúp Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Cụ thể, qua kiểm toán, KTNN đã giúp Bộ Y tế xây dựng và hoạch định chính sách, ban hành nhiều văn bản nhằm đổi mới cơ chế tài chính, đặc biệt là thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, từng bước chuyển NSNN cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần sớm thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; đổi mới phương thức phân bổ ngân sách, phương thức chi trả Quỹ BHYT. KTNN cũng giúp Bộ Y tế và các đơn vị quản lý chặt chẽ các nguồn thu, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại thiếu sót trong thực hiện các nhiệm vụ chi, xây dựng phương án tự chủ tài chính để đánh giá mức độ tự chủ của từng đơn vị, trên cơ sở đó xây dựng phương án phân bổ, hỗ trợ ngân sách chi thường xuyên phù hợp với hoạt động và khả năng thu của từng đơn vị; chỉ đạo các đơn vị có các hoạt động dịch vụ thực hiện kịp thời và đầy đủ nghĩa vụ với NSNN.
Đối với các dự án ODA, việc kiểm toán thường xuyên đã giúp Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc, các Ban quản lý dự án thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, giải ngân theo đúng quy định của Nhà nước cũng như cam kết với các nhà tài trợ. Đồng thời, qua kiểm toán đã giúp Bộ Y tế chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập, trình và phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuốc và vật tư tiêu hao. Các nội dung này cũng đã được đưa vào thành các quy định trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Y tế. Bên cạnh đó, việc kiểm toán chi đầu tư đã giúp Bộ Y tế chủ động cắt giảm hạng mục chưa cần thiết của một số dự án, phân chia giai đoạn đầu tư, tập trung và ưu tiên bố trí vốn đủ vốn cho các dự án, công trình trọng điểm theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng, nhờ đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án quan trọng, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh...
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc thực hiện quyết định kiểm toán từ khâu khảo sát lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu kiểm tra việc thực hiện kiến nghị của KTNN. Đặc biệt, chúng tôi rất mong KTNN tăng cường kiểm toán hiệu quả hoạt động, sử dụng ngân sách và các nguồn kinh phí của Bộ, của ngành, góp phần để ngành Y tế sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính. Đối với các dự án ODA, dự án đầu tư lớn, trọng điểm, chúng tôi muốn KTNN tham gia kiểm toán ngay từ khâu lập, phê duyệt dự án và trong quá trình thực hiện dự án để việc triển khai theo đúng quy định, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, rất mong trong quá trình kiểm toán, KTNN phát hiện, tư vấn cho Bộ Y tế xây dựng các chế độ, chính sách, giá, phí, lệ phí để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị y tế công hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa KTNN và Bộ Y tế.
NGUYỄN HỒNG (thực hiện)