Quản lý đất đai, môi trường hiệu quả
Năm 2015, Bộ TN&MT đã thực hiện tốt việc tổ chức thi hành Luật Đất đai. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; ban hành 7 Thông tư, Thông tư liên tịch; trình Quốc hội hồ sơ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016-2020 cấp quốc gia. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nâng kết quả cấp giấy lần đầu lên 94,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp.
Đối với lĩnh vực quản lý môi trường cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, giảm dần số lượng và mức độ tác động của các nguồn hiện đang gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 (trong đó, 11 làng nghề, 14 điểm bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được khắc phục và cải thiện; hoàn thành thu gom xử lý nước thải ở 2 lưu vực sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai). Đặc biệt, trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ đã chuẩn bị tốt nội dung cho Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), góp phần đạt được Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bộ cũng đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH giai đoạn 2012-2015, trong đó đã huy động được hơn 1,3 tỷ USD từ các đối tác phát triển để triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng cho biết trong năm 2016, ngành TN&MT sẽ tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đo đạc và bản đồ; tiếp tục trình ban hành hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo và Luật Khí tượng thủy văn. Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, tập trung giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo, vụ việc tồn đọng kéo dài.
Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: trong năm qua, ngành TN&MT đã tiến hành 2.623 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 8.860 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, trong đó, Bộ đã triển khai 94 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.154 tổ chức. Kết quả đã xử lý vi phạm hành chính đối với 1.456 tổ chức; thu và truy thu nộp ngân sách 1.649,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngành đã kiến nghị thu 8.534 ha đất, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện 849 kết luận thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, việc tổ chức tiếp công dân cũng được chú trọng thực hiện với 5.928 lượt; tiếp nhận và xử lý 13.510 lượt đơn thư; đã giải quyết xong 2.947/3.810 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao (đạt 77%).
Đối với công tác quản lý địa chất và khoáng sản - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Bộ TN&MT đã có những biện pháp quản lý chặt chẽ giúp phát huy hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Tính đến hết tháng 11/2015, Bộ đã phê duyệt 41 báo cáo xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước với số tiền hơn 713 tỷ đồng (đã thu nộp ngân sách 444 tỷ đồng); phê duyệt 165 báo cáo tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 7.500 tỷ đồng. Công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng đã được 47/63 tỉnh, thành phố cả nước triển khai và thu được 1.632 tỷ đồng nộp NSNN. Trong năm qua, cùng với việc thực hiện cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phê duyệt và công bố kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để giao các địa phương quản lý.
Biểu dương kết quả ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, Bộ cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về ô nhiễm môi trường. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và áp dụng những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: 8 lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành TN&MT đều liên quan đến phát triển bền vững của Quốc gia. Do vậy, ngành cần phân tích rõ hơn những mặt hạn chế để gắn với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giải quyết sớm nhất những tồn tại vướng mắc của ngành trong thời gian qua.