Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng

(BKTO) - Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Chính phủ giao hơn 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm ngoái và 2,2 lần năm 2021. Do đó, Bộ phải đổi mới cách làm, vận dụng sáng tạo các biện pháp để công tác giải ngân đạt kết quả cao.

gia-ngan-bo-gtvt.jpg
Công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh sưu tầm

Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT đạt 96,2%, bảo đảm mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (trung bình cả nước đạt tỷ lệ khoảng 92,7%) và gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của Bộ năm 2021 (năm 2021, Bộ giải ngân 40.300 tỷ đồng, đạt 93,7%).

Về tình hình giao chi tiết kế hoạch vốn 2023, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng giao là 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%).

Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan Trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch.

Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT đã đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 1,81%. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (giải ngân được 761 tỷ đồng, đạt 1,38%).

Liên quan đến kế hoạch vốn 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, năm nay, tổng số vốn Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng, tính bình quân mỗi tháng phải giải ngân 8.000 tỷ, một con số “khổng lồ”; nên tháng nào không đạt được thì gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo.

Để đảm bảo tiến độ công tác giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc. Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.

Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt. Đơn cử như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, không phải thời gian được Chính phủ ấn định là quý II/2023 địa phương phải bàn giao toàn bộ.

Tuy nhiên chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất, đảm bảo sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án.

Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể, muốn như vậy, phải sẵn sàng kế hoạch, con người, thiết bị đầy đủ.

Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tức là có thể triển khai song song nhiều việc./.

Năm 2023, Bộ GTVT dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án. Trong đó, phải tập trung hoàn thành 7 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2) và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ 2 dự án thành phần hoàn thành trong năm 2024 và 12 dự án thành phần thuộc giai đoạn 2021-2025.

Cùng chuyên mục
  • Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Bộ trưởng, Chủ nhiện Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023, vừa diễn ra chiều tối nay (02/02), tại Hà Nội.
  • Những cơ hội và thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Qua đánh giá thực tiễn và dự báo triển vọng năm 2023, các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ 5 cơ hội và 4 thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đồng thời phân tích những giải pháp giúp DN tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức và nhanh chóng nắm bắt, đón đầu những xu hướng kinh doanh mới.
  • Doanh nghiệp công nghệ số và khát vọng vươn ra thế giới
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đã có những doanh nghiệp (DN) công nghệ số của Việt Nam kinh doanh ở nước ngoài và sẽ có thêm DN trong lĩnh vực này vươn ra thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng, DN nói chung và DN công nghệ số nói riêng hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, gìn giữ và làm rạng danh non sông.
  • Chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng bứt phá xuất khẩu thủy sản trong năm 2023
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2022, ngành thủy sản ghi nhận nhiều kỷ lục, nổi bật là doanh số xuất khẩu đạt 11 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử của ngành. Là người phụ trách, theo dõi và trực tiếp có những chỉ đạo đối với ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về một số nguyên nhân cơ bản đưa đến kết quả này, bài học kinh nghiệm được rút ra, cũng như định hướng để phát triển ngành thủy sản trong năm 2023.
  • Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 80% kế hoạch
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, kết thúc năm ngân sách 2022 (đến 31/01/2023), ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 78,08% kế hoạch và đạt 95,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng