Những cơ hội và thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp

(BKTO) - Qua đánh giá thực tiễn và dự báo triển vọng năm 2023, các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ 5 cơ hội và 4 thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đồng thời phân tích những giải pháp giúp DN tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức và nhanh chóng nắm bắt, đón đầu những xu hướng kinh doanh mới.

13.jpg
Năm 2023, cộng đồng DN sẽ đón nhận nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh sưu tầm

Nhiều cơ hội đến từ kinh tế phục hồi

Trong số các cơ hội đang mở ra, các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 dần chấm dứt sẽ là cơ hội lớn cho cộng đồng DN với những tác động tích cực khiến một số ngành dịch vụ quan trọng có xu hướng hồi phục nhanh hơn như: Du lịch, vận tải. Các ngành nghề này hồi phục đang tạo đà cho việc phục hồi hoàn toàn các nền kinh tế như trước khi xảy ra đại dịch. Đây là cơ hội để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam chớp cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ giai đoạn hậu đại dịch.

Cơ hội thứ hai được chỉ ra là các năm gần đây, để tồn tại thì buộc các DN phải đẩy mạnh nhiều giải pháp công nghệ mang tính bước ngoặt nhằm duy trì hoạt động. Nổi bật là việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và các công nghệ tiên tiến nhằm gia tăng khả năng tương tác với khách hàng và giúp cắt giảm chi phí sản xuất. Đây là cơ hội mở ra các quan hệ hợp tác, phát triển để mở rộng chuỗi giá trị của DN trong tương lai. Việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến đã giúp nhiều DN vận hành các mảng then chốt như: Tiếp thị bán hàng, tài chính, thanh toán, hoạt động chuỗi cung ứng hành chính nhân sự một cách nhanh chóng, gọn nhẹ và qua đó giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2023 cũng là thời điểm mà hoạt động mua bán và sáp nhập DN (M&A) diễn biến tích cực trên phạm vi toàn cầu. Theo một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Bain & Company, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD, trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường M&A tăng tốc. Do vậy, các DN Việt có tiềm lực tốt có thể kỳ vọng những cơ hội M&A trong những lĩnh vực như: Bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng được dự báo vẫn sôi động bất chấp những lo ngại từ những khó khăn kéo dài của kinh tế toàn cầu. Khi nền kinh tế gặp khó khăn cũng chính là giai đoạn thích hợp để thực hiện các thương vụ M&A cho các dự án tiềm năng.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cơ hội cho các DN cũng đến từ việc để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp mới như việc nới lỏng tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Những khó khăn của môi trường kinh doanh trong hơn hai năm qua là cơ hội để các DN tái cấu trúc hoạt động và đến năm 2023 chính là giai đoạn mà nhiều DN sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phát triển thị trường để hướng đến một giai đoạn phát triển mới.

Theo phân tích của các chuyên gia, tuy dịch bệnh làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế nhưng lại là giai đoạn đầu tư công gia tăng nhanh chóng để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam với hàng loạt công trình hạ tầng lớn được thúc đẩy khởi công kết nối các vùng miền, các địa phương. Hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư tái cấu trúc chuỗi cung ứng để phục vụ DN phát triển quy mô trong thời gian tới.

Thách thức đến từ những bất ổn của thế giới

Song song với những cơ hội nêu trên, 4 thách thức lớn đang đặt ra đối với các DN Việt. Trong đó, vấn đề lạm phát vẫn chưa được giải quyết sẽ kéo theo các bất ổn vĩ mô. Nếu lạm phát tiếp tục tăng cao thì tín dụng nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì xu hướng thắt chặt. Đây là một trong những thách thức mà cộng đồng DN cần phải vượt qua nếu viễn cảnh này trở thành sự thật. Lãi suất gia tăng sẽ làm mặt bằng chi phí tăng cao, gây đình đốn nhiều hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, nguy cơ nợ xấu gia tăng sẽ làm các ngân hàng tiếp tục phải thắt chặt việc cho vay và tín dụng sẽ trở nên khó tiếp cận hơn. Việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu sẽ khiến các DN gặp khó về nguồn vốn. Tình trạng chủ đầu tư “đói” vốn, khó tiếp cận các kênh tín dụng sẽ trở nên phổ biến. Thanh khoản trên thị trường bất động sản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh, không ít DN buộc phải dừng dự án đang triển khai. Nếu thị trường bất động sản đóng băng thì kéo theo nhiều ngành sản xuất như: Xi măng, đồ gia dụng sẽ gặp các khó khăn nghiêm trọng.

Các chuyên gia cũng nhận định thị trường thế giới sẽ bất ổn hơn nếu cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn, các cuộc cạnh tranh địa chính trị gia tăng quy mô, các nền kinh tế đầu tàu lâm vào tình trạng suy thoái. Những vấn đề tiêu cực của kinh tế quốc tế này sẽ lan truyền vào Việt Nam và làm cho các khó khăn gia tăng. Nếu viễn cảnh này xảy ra thì nhiều DN sẽ phải tiếp tục cắt giảm quy mô lao động, quy mô sản xuất trong năm 2023 do sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi việc mất đi nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường xuất khẩu truyền thống. Kinh tế thế giới bất ổn cũng làm tỷ giá hối đoái tăng lên và gây khó khăn cho các DN có hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời, khủng hoảng năng lượng liên quan đến xăng dầu và khí đốt tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Nếu giá nhiên liệu tăng cao thì không thể kiềm chế được lạm phát. Trong năm 2022 đã có các thời điểm thiếu xăng dầu cục bộ, các hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu và từ đó làm giảm sức cầu của nền kinh tế. Đây là thách thức lớn với cộng đồng DN khi thị trường trong nước là chỗ dựa để nhiều DN duy trì hoạt động trong thời gian qua.

Gợi mở một số xu hướng kinh doanh cho các DN để tận dụng tốt những cơ hội, vượt qua được những thách thức trong năm 2023 và thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh, DN cần nắm bắt xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo ra các hệ thống kinh doanh thông minh. Năm 2023 sẽ tiếp tục là thời điểm để cộng đồng DN đẩy mạnh thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ số. Cùng với đó là tận dụng triệt để các lợi ích từ thương mại điện tử. Đồng thời, DN cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng tăng cường trải nghiệm của các khách hàng trẻ./.

Năm 2023 và những năm tới, các khách hàng trẻ ngày càng trở nên quan trọng với các DN khi mà nhóm khách hàng này rất thích đi du lịch, mua sắm và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới, sau khi chính họ đã đóng góp tích cực vào gia tăng doanh thu, lợi nhuận và phát triển mạng lưới kinh doanh của các DN sau đại dịch Covid-19.

Cùng chuyên mục
Những cơ hội và thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp