Quyết định nêu rõ, chỉ số giá xây dựng quốc gia là chỉ tiêu tương đối phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng công trình theo thời gian trên phạm vi cả nước.
Chỉ số giá xây dựng quốc gia được sử dụng làm cơ sở xác định suất vốn đầu tư, tham khảo trong phân tích mức độ biến động giá bình quân của chỉ số giá xây dựng khi xác định chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư và các công việc liên quan đến đánh giá biến động giá xây dựng công trình phục vụ quản lý, điều hành vĩ mô. Chỉ số giá xây dựng quốc gia không sử dụng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Chỉ số giá xây dựng quốc gia năm 2023 gồm: chỉ số giá xây dựng chung cả nước và chỉ số giá theo loại công trình phổ biến (bình quân cho cả nước).
Trong đó, so với năm 2020, năm 2023, chỉ số giá công trình nhà ở tăng 13,12%; công trình đường bộ với loại đường bê tông xi măng tăng 17,56%, bê tông nhựa tăng 23,10%; công trình cầu đường bộ (cầu bê tông xi măng) tăng 18,85%; công trình công nghiệp (công trình sản xuất vật liệu xây dựng) tăng 6,50%...
Theo Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng quốc gia đã tính toán đến sự biến động của các chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và một số khoản mục chi phí khác của chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Một số khoản mục chi phí như: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, rà phá bom mìn và vật liệu nổ, lãi vay trong thời gian xây dựng (đối với những dự án sử dụng vốn vay), vốn lưu động ban đầu (đối với các dự án sản xuất, kinh doanh) không đưa vào tính toán đối với chỉ số giá xây dựng quốc gia.
Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng quốc gia theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình. Thời điểm gốc xác định chỉ số giá xây dựng quốc gia là năm 2020.
Các yếu tố chi phí đầu vào để xác định chỉ số giá xây dựng gồm: giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công căn cứ theo công bố giá của Sở Xây dựng tại các địa phương./.