Năm 2023: KTNN chuyên ngành II kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của 13 bộ, ngành

(BKTO) – Năm 2022, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế của cơ chế chính sách và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý một số nội dung quan trọng đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và năng lượng tái tạo…

sep-tuan-anh.jpg
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của KTNN chuyên ngành II  trong năm 2022. Ảnh: Thùy Anh

Thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đạt 93,95%

Chiều 12/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Chương trình công tác năm 2023 của KTNN chuyên ngành II , ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho biết, từ cuối năm 2021, khi lập kế hoạch cho năm 2022, đơn vị đã xác định phương hướng hoạt động với chủ đề: “Nâng cao ý thức trách nhiệm công chức, công vụ, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của kiểm toán viên (KTV); tăng cường trách nhiệm giải trình của KTV khi thực thi công vụ”.

Thực hiện xuyên suốt chủ đề nói trên trong các hoạt động năm 2022, đơn vị đã tạo được khối đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo kế hoạch được giao; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán… Nhờ đó, năm 2022, KTNN chuyên ngành II đã đạt kết quả khá toàn diện.

Cụ thể hơn, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Cù Hoàng Diệu cho biết: Năm 2022, KTNN chuyên ngành II đã hoàn thành có chất lượng nhiều cuộc kiểm toán. Tiêu biểu là Cuộc kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng (Cuộc kiểm toán chuyên đề về tài nguyên khoáng sản); Cuộc kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Cuộc kiểm toán chuyên đề về năng lượng tái tạo).

Các cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã làm rõ những bất cập, hạn chế của cơ chế chính sách và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo xử lý một số nội dung quan trọng.

Đến ngày 30/11/2022, KTNN chuyên ngành II đã hoàn thành 14/19 cuộc kiểm toán. Qua kiểm toán, đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính 986 tỷ đồng; trong đó, tăng thu NSNN 146 tỷ đồng, khoản giảm chi thường xuyên 771 tỷ đồng, giảm chi đầu tư 68 tỷ đồng (không bao gồm kiến nghị khác 356 tỷ đồng).

KTNN chuyên ngành II cũng kiến nghị đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tương ứng với từng sai phạm được phát hiện.

hoi-nghi-cn2.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thùy Anh

KTNN chuyên ngành II đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản hướng dẫn hồ sơ mẫu biểu kiểm toán và các văn bản pháp luật, văn bản quản lý khác trong và ngoài Ngành.

Đặc biệt, tháng 9/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ bổ sung cho KTNN chuyên ngành II chủ trì xây dựng Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương. Chỉ sau 2 tháng triển khai xây dựng, ngày 21/11/2022, Hướng dẫn này đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Năm 2022, KTNN chuyên ngành II đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng văn bản điện tử phục vụ việc quản lý, điều hành công việc qua mạng. Đến nay, hầu như văn bản điện tử đã thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin.

Đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm theo yêu cầu của KTNN, KTNN chuyên ngành II đạt 191,11/200 điểm…

Năm 2023: Kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN của 13 bộ, ngành và thay đổi cách tiếp cận kiểm toán

Dự kiến năm 2023, KTNN chuyên ngành II thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 của 6 bộ, ngành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; 2 cuộc kiểm toán chuyên đề, 1 cuộc kiểm toán hoạt động; kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN của 13 bộ, ngành.

Để thực hiện được kế hoạch năm 2023, KTNN chuyên ngành II sẽ nâng cao trách nhiệm công chức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến từng cán bộ, công chức về đạo đức nghề nghiệp.

KTNN chuyên ngành II cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; áp dụng triệt để phương pháp kiểm toán tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành.

Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có đủ năng lực, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

KTNN chuyên ngành II kiến nghị, đề xuất KTNN: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn kiểm toán, nhất là quyền hạn của KTNN trong việc tham gia các vòng thảo luận dự toán NSNN.

Đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán chuyên đề, tăng cường thực hiện theo mô hình kiểm toán tập trung, thống nhất đối với các cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi toàn Ngành nhằm thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thống nhất trong kết luận, kiến nghị kiểm toán...

Tăng cường tổ chức tập huấn về chính sách tài khóa, công tác quản lý điều hành kinh tế vĩ mô của cấp có thẩm quyền; các văn bản chính sách liên quan đến các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành để KTV hiểu sâu hơn về nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả nổi bật của KTNN chuyên ngành II, như: Nhanh chóng hoàn thiện Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; kết quả cuộc kiểm toán chuyên đề và tài nguyên khoáng sản và năng lượng tái tạo… đã chỉ rõ những bất cập và đề xuất những kiến nghị xác đáng; phối hợp hiệu quả với các đơn vị tham mưu, sự nghiệp trong Ngành để thực hiện những nhiệm vụ chung…

anh-thang.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng yêu cầu mỗi KTV nâng cao ý thức trách nhiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 của đơn vị. Ảnh: Thùy Anh.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị đơn vị tiếp tục phát huy những thế mạnh này trong những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, ông Lê Đình Thăng mong lãnh đạo Ngành tiếp tục chỉ đạo sát sao đối với đơn vị và các đơn vị trực thuộc KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN chuyên ngành II trong hoạt động đào tạo, thực hiện chuyển đổi số và công tác truyền thông…

Ông Thăng cũng yêu cầu mỗi KTV của KTNN chuyên ngành II ý thức rõ trách nhiệm của mình, của đơn vị để thay đổi cách tiếp cận kiểm toán, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 cũng như hoàn thành những sứ mệnh của KTNN chuyên ngành II./.

Cùng chuyên mục
Năm 2023: KTNN chuyên ngành II kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của 13 bộ, ngành