Năm 2023, tăng trưởng GDP dự báo đạt trên 5%

(BKTO) - Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%. Dù mức tăng trưởng này thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Sáng 16/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025) và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

toan-canh-16.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Ước có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu

Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2023, bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Tuy nhiên, tình hình KTXH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội” - Chính phủ đánh giá.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Thu NSNN 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68% (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2023, xếp hạng môi trường kinh doanh nước ta tăng 12 bậc; giá trị thương hiệu quốc gia tăng 01 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế.

“Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu NSNN phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD” - Chính phủ nhận định.

Động lực tăng trưởng chậm lại, nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả

Cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ song Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, dự kiến 05/15 chỉ tiêu KTXH không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.

thanh16.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. “Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm.

 Năm 2023, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm; nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Qua đánh giá cho thấy tình hình KTXH có nhiều tiến bộ song khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cũng như thực hiện kế hoạch 5 năm là rất khó, đòi hỏi phải có quyết tâm cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 101/2023/QH15 về rà soát pháp luật trong 22 lĩnh vực và ý kiến của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Thời gian qua, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành rà soát và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 17/10 và tại Kỳ họp thứ 6 tới sẽ báo cáo Quốc hội thảo luận về nội dung kết quả rà soát pháp luật này.

“Qua rà soát, kết quả bước đầu cho thấy pháp luật còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng ở luật thì ít; phần nhiều vẫn là các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định...” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đồng thời lưu ý công tác rà soát pháp luật cần phải thực hiện thường xuyên, cần tiếp tục rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh cả luật và văn bản dưới luật.

ct16.jpg

Trong thời gian tới, tinh thần phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024 để góp phần cho hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị trung ương, cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách trước mắt mà Nghị quyết Kỳ họp thứ ,5 Quốc hội khóa XV hay trong các kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Đồng thời phải gắn với các mục tiêu dài hạn như cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế…cũng như các mục tiêu phát triển lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, tình trạng tham nhũng tiêu cực trong một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính dịch vụ công chậm được khắc phục…

Bà Nga đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng để đảm bảo các lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ lo ngại khi tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, rất khó đạt được mục tiêu đề ra (5%-6%).

Theo ông Huy, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đánh giá, nếu chỉ tăng 1% năng suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP. Chính phủ đã nhận diện nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này, do vậy Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển. Bởi nguồn nhân lực là động lực nội sinh và cốt lõi của nền kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Năm 2023, tăng trưởng GDP dự báo đạt trên 5%