Tập trung tăng trưởng mà không cần quá lo về lạm phát
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 mặc dù rất tích cực nhưng vẫn là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung kế hoạch 5 năm (6,5 - 7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%). GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Do đó năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá. Bởi Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn nước rút, giai đoạn tăng tốc trong thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Và chuẩn bị nền tảng để đón nhận thời cơ, vận hội mới cho bước ngoặt của đất nước và tổ chức tổng kết, đánh giá, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2026 - 2030.
Điểm tích cực là các chuyên gia cùng chung nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Lam Phương - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt - cho biết, xuất khẩu trở lại sẽ là trụ cột của tăng trưởng, đặc biệt là nhóm mặt hàng công nghệ. Tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ được thể hiện rõ nét hơn, kéo theo nhu cầu đầu tư và tiêu dùng cải thiện.
Đồng thời, sẽ có thêm một năm nữa cho việc tái cơ cấu nợ và tìm kiếm giải pháp cho thị trường bất động sản.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - nhận định, Việt Nam có thể tranh thủ thúc đẩy tăng trưởng nhưng không quá lo vì lạm phát. Lạm phát có thể được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra khi kiềm chế áp lực gia tăng từ nhóm hàng hoá, dịch vụ chính là lương thực, thực phẩm và nhà ở, vật liệu xây dựng.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, năm 2024, dự báo những “làn gió ngược” sẽ giảm đi, thực tiễn có thể mở ra những thuận lợi hơn. Trong bối cảnh chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới hay nguồn lực xuất khẩu thì khó có thể vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung. Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên.
Tiếp đến, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.
"2024 có lẽ là năm cơ hội hiếm có không lặp lại nếu các nhà đầu tư không tranh thủ để chớp lấy. Nếu không chúng ta có thể đánh mất cơ hội, những nhà đầu tư sẽ không chuyển đổi được vào các ngành sản xuất, chuỗi cung ứng giá trị cao. Điều này tôi cho rằng, rất cần sự hành động từ Chính phủ cho đến các doanh nghiệp và các nhà đầu tư" - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Tạo thêm động lực nhờ khai thác triệt để các hiệp định thương mại
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - kỳ vọng khó khăn của năm 2023 đã trở thành cơ hội tốt cho 2024 nếu biết cách tận dụng.
Không gian kinh tế, đầu tư sẽ được mở rộng hơn. Chuyển đổi số, thương mại điện tử là vấn đề lớn cần phát triển mạnh. Thêm vào đó, khi Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi sẽ là động lực giúp kinh tế Việt Nam có những bước chuyển quan trọng.
"Chúng ta cần khai thác triệt để những ưu đãi của các Hiệp định Thương mại đã ký kết. Nếu có một chiến lược khai thác triệt để các hiệp định một cách thực chất, đi vào chiều sâu thì tôi tin rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể lên tới 1.000 tỉ USD trong thời gian rất ngắn" - ông Lạng nêu rõ.