Chuyển dịch năng lượng đòi hỏi nhân lực tay nghề cao
Theo quy hoạch, năm 2045, cả nước có trên 75% năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chuyển dịch năng lượng đòi hỏi 25% nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời trong thập kỷ tới tại Việt Nam .
Bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE), thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ - cho rằng, chuyển dịch về năng lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu trong thị trường lao động, lực lượng lao động của Việt Nam có rất nhiều cơ hội về nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng và ngành nghề xanh nói chung.
Để nắm bắt được cơ hội này, tạo ra nhiều việc làm “chất lượng” trong quá trình chuyển dịch năng lượng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thị Hà cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình, đề án, chính sách về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chính sách phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn chủ động đưa các nội dung về năng lượng xanh khi xây dựng và ban hành khoảng 300 bộ quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp ở trình độ cao đẳng và trung cấp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích hợp khi xây dựng ban hành chương trình đào tạo.
Bộ LĐTBXH cũng đã tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế như: Hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhằm thúc đẩy, thực thi những nguyên tắc cơ bản của ILO và quyền cơ bản tại nơi làm việc để đảm bảo toàn xã hội có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh, quá trình phòng chống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, già hóa dân số và tác động của công nghệ; tăng cường hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức về phát triển giáo dục nghề nghiệp với mô hình đào tạo nghề kép, phát triển năng lượng tái tạo, tư vấn hỗ trợ xây dựng chính sách về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và bao trùm.
Chú trọng đào tạo, phát triển kỹ năng nghề
Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Chia sẻ kinh nghiệm của Đức, TS Guido Hildner - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - cho biết, giai đoạn 2012-2020, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành, nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7%, lên mức 5 triệu người. Điều này cho thấy chuyển dịch năng lượng là một quá trình phức tạp với đòi hỏi khắt khe, nhưng đây cũng là những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.
Trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, qua mối quan hệ hợp tác lâu dài, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hằng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề, trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Từ thực tế trên, các chuyên gia đánh giá: Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng hiệu quả, thành công, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh - tìm kiếm cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng. Vì vậy, cần phải chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh; đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải có các giải pháp phát triển kỹ năng và thúc đẩy việc làm để hiện thực hóa tiềm năng việc làm trong lĩnh vực này. Đồng thời cần lưu tâm đến vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
“Với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố JETP, thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nằm thúc đẩy việc làm, phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, từ đó tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng…” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà khẳng định./.