Nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT qua công tác kiểm toán

(BKTO) - Ngày 13/8, tại trụ sở KTNN, Hội đồng khoa học của KTNN đã nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT qua công tác kiểm toán của KTNN” do ThS. Phạm Thế Phong và Kỹ sư Hoàng Đức Việt (KTNN chuyên ngành IV) đồng chủ nhiệm.



                
   

Tải ảnhQuang cảnh buổi nghiệm thu

   
Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, xã hội hóa các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết. Các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có hình thức hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh - chuyển giao) và hình thức hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao) là giải pháp hiệu quả và trở thành một xu hướng tất yếu.

Những năm qua, KTNN chuyên ngành IV đã thực hiện kiểm toán các dự án hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Kết quả kiểm toán cho thấy rất nhiều hạn chế trong công tác quản lý và thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT tại các ban quản lý dự án (Bộ GTVT) như: thiếu chặt chẽ, chưa toàn diện, lãng phí, thất thoát vốn, hiệu quả đầu tư thấp…

Do đó, với mong muốn góp phần giải quyết các bất cập, hạn chế nêu trên, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn Đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT qua công tác kiểm toán của KTNN”. Đề tài nêu lên một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT như: hoàn thiện các chính sách có liên quan đến việc quản lý dự án; hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý dự án đầu tư công trình GTVT; nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soán và thanh tra.

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng, kết quả nghiên cứu đã đề xuất được một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong quá trình quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động đầu tư dự án theo hình thức BOT, BT. Tuy nhiên, để Đề tài có giá trị khoa học và tính sức thuyết phục cao hơn, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần đầu tư, phân tích, kiến nghị với Chính phủ, các ngành và địa phương thêm một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án BOT, BT. Ví dụ, đề xuất xây dựng và ban hành Luật về PPP thay cho Nghị định như hiện nay; cần xin ý kiến nhân dân, HĐND các địa phương trước khi thực hiện dự án BOT, BT trên địa bàn.

Ngoài ra, các giải pháp đề xuất cần cụ thể và gắn kết với kết quả đánh giá thực trạng, nguyên nhân hạn chế, trong đó, tách rõ các giải pháp liên quan đến cơ chế đặc thù đối với hình thức BOT, BT và công tác quản lý dự án đầu tư nói chung.

Đề tài được Hội đồng khoa học xếp loại: Khá.
Tin và ảnh: LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT qua công tác kiểm toán