Nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước

(BKTO) - Quốc hội yêu cầu, các kết luận, kiến nghị của KTNN cần nêu rõ các khoản không đủ điều kiện quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm.

c622a931bcc06d9e34d1.jpg
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021. Ảnh: Đ. KHOA

Chiều 19/6, với 473/478 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội ), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Không lặp lại các bất cập, hạn chế kéo dài

Tại Nghị quyết, cùng với việc phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện các quyết nghị chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước; có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân và các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng NSNN; lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 chậm so với thời gian quy định.

Quốc hội quyết nghị phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, bao gồm:

Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của NSNN.

Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022.

Bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện; quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu NSNN bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Cùng với đó, chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng NSNN; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn NSNN. Trong năm 2023, tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn NSNN đến ngày 31/12/2021 sang năm 2022, trong đó làm rõ khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác theo quy định của pháp luật” tại các địa phương và kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2021 (đợt 2).

Quốc hội cũng yêu cầu hủy bỏ, thu hồi về NSNN các khoản chuyển nguồn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định; xử lý dứt điểm những trường hợp tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm.

Trong năm 2023, thu hồi tối đa các khoản tạm ứng từ năm 2021 trở về trước quá thời hạn quy định; thu hồi toàn bộ các khoản ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân của năm 2022 và năm 2021 trở về trước để cắt giảm tương ứng trong bội chi ngân sách trung ương.

Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng để vừa bảo đảm sử dụng đúng mục đích theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, vừa bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng không đúng quy định; tổng hợp báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6/2023.

Khẩn trương thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN năm 2021 và năm 2020 trở về trước.

Trong năm 2023, xử lý, thu hồi về NSNN các khoản thu, chi, chuyển nguồn NSNN không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của KTNN trong niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 và năm 2020 trở về trước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSNN nhưng chưa xử lý theo quy định của Luật NSNN.

190620230253-dsc_6928.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: VPQH

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ yêu cầu: Thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong lập, xét duyệt, thẩm định, gửi báo cáo quyết toán NSNN; không trình và xét duyệt quyết toán NSNN hằng năm đối với: các khoản thu, chi NSNN không đúng quy định; các khoản thu, chi đã được KTNN kết luận, kiến nghị xử lý trong niên độ kiểm toán quyết toán NSNN trước thời điểm thông báo xét duyệt, thẩm định quyết toán NSNN hằng năm và các năm trước nhưng chưa xử lý, thu hồi về NSNN.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ và xem xét xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến hết ngày 30/6/2023 đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội theo quy định.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023 để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Công khai danh sách tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao nhiệm vụ cho KTNN tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Cùng với đó, KTNN cần tăng cường kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn NSNN khi thực hiện kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN.

KTNN thực hiện lồng ghép tổ chức kiểm toán khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác theo quy định của pháp luật” tại các địa phương và kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2021 (đợt 2); kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến các khoản phải hủy nguồn, hoàn trả ngân sách trung ương năm 2022 trở về trước để kịp thời kiến nghị, xử lý, thu hồi các khoản chuyển nguồn không đúng quy định.

Đồng thời, tập trung kiểm toán hoạt động khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.

KTNN báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán các nội dung trên trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022.

Ngoài ra, KTNN tiếp tục thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kiểm toán quyết toán NSNN theo quy định; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu KTNN nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán, quyết toán NSNN để làm căn cứ Quốc hội quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm trước thời điểm cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSNN.

“Các kết luận, kiến nghị của KTNN cần nêu rõ các khoản không đủ điều kiện quyết toán NSNN làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm” - Nghị quyết nêu rõ.

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước