Nâng cao vai trò của KTNN trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Ngày 17/01, tại Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội nghịbáo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ một số kết quả kiểm toán về côngtác cơ cấu lại khối DN, trong đó trọng tâm là DNNN. Đánh giá cao những phát hiện,kiến nghị của KTNN qua kiểm toán công tác tái cơ cấu và xác định giá trị DNNN,Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị“bịt” nhiều lỗ hổng pháp luật, thu hồi vốn nhà nước và tăng hiệu lực, hiệu quảthực hiện các kết luận của KTNN.



Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nội Vụ, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ban chỉ đạo đổi mới DNNN. Về phía KTNN có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và thủ trưởng các đơn vị có trụ sở tại Hà Nội.

Bất cập trong tái cơ cấu DNNN

Báo cáo về kết quả kiểm toán việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 của KTNN cho thấy, giai đoạn này cả nước đã cổ phần hóa (CPH) được 499/528 DN, đạt 96% kế hoạch. Các DN sau CPH đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho NSNN và cải thiện thu nhập của người lao động.

Số vốn nhà nước tại các DN theo giá trị sổ sách đã được thoái là 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN về SCIC chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số DN chưa cao.

Đặc biệt, qua kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị DN tại 7 DN, KTNN phát hiện, việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước; đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán… KTNN đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại 6 DN theo phương pháp tài sản hơn 4,6 nghìn tỷ đồng.

KTNN cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đồng thời ngăn ngừa thất thoát nguồn lực nhà nước.

Hiệu quả hoạt động của DN là mục đích cuối cùng

Đánh giá cao kết quả kiểm toán công tác tái cơ cấu và xác định giá trị DNNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị "bịt" nhiều lỗ hổng pháp luật, thu hồi vốn nhà nước và tăng hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận của KTNN.

Những phát hiện và kiến nghị của KTNN cũng là căn cứ quan trọng để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới. Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để trình Chính phủ ngay đầu năm 2017 theo hướng quan tâm tới xác định giá trị của DNNN về lợi thế thương hiệu, thương mại.

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là sắp xếp đất đai trước khi CPH và cam kết của nhà đầu tư theo những quy hoạch về đất đai. Vì vậy, KTNN cần đánh giá sâu sát hơn về vấn đề sắp xếp tài sản trước CPH và sử dụng đất đai sau CPH; đồng thời nghiên cứu, có ý kiến tham vấn với Chính phủ về vấn đề có cho phép DNNN khi CPH được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Chính phủ đã và sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn quá trình cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn mới theo tinh thần không bán hay thoái vốn nhà nước bằng mọi giá. Việc giữ lại các DN nhà nước nắm 100% vốn phải bảo đảm các DN này phát triển thành các tập đoàn có thương hiệu mạnh và cạnh tranh hiệu quả. “CPH không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản trị DN và Chính phủ mong muốn KTNN chú ý trong mọi hoạt động ở lĩnh vực này”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: T.TÙNG
Phó Thủ tướng cũng lưu ý KTNN cần quan tâm đến công tác cán bộ trong DN theo hướng rà soát lại số lượng lao động tại các tập đoàn, tổng công ty để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của DN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Phát hiện của KTNN rất đúng và trúng

Qua báo cáo tôi thấy những phát hiện của KTNN rất giá trị, rất đúng và trúng với nhận xét và quan sát của chúng tôi. Đây là phần mà tôi thấy chúng ta đồng chính kiến, có thể đồng hành cùng nhau.

KTNN chỉ ra việc thoái vốn của các DNNN, nếu chỉ tính thuần túy trên tài sản thì thoái vốn lên được 1,4 giá trị tài sản sổ sách. Ý kiến KTNN cũng trùng với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đánh giá giá trị DN.

Tôi thấy điểm nổi bật ở đây là: Khi chúng ta bán DN đi thì vì lý do nào đấy, các công ty kiểm toán lại chỉ lựa chọn cách định giá theo phương pháp tài sản dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Nhưng ngược lại, khi chúng ta mua DN đang lỗ thì chúng ta lại chấp nhận mua theo cách định giá dòng tiền chiết khấu.

Do đó, chúng ta phải xem xét lại toàn bộ công tác định giá DN trước khi cổ phần hóa, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang định giá những DN có giá trị rất lớn. Việc thoái vốn của chúng ta mới đạt 8%, còn 92% nữa. 92% vốn nhà nước mà định giá theo cách như thế này thì số tiền thất thoát rất lớn./.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa: Tôi rất ấn tượng với một số kết quả nổi bật của KTNN

Tôi rất ấn tượng với một số kết quả nổi bật của KTNN trong năm qua như: Số lượng các cuộc kiểm toán tăng lên; số xử lý tài chính lớn, tăng rất nhiều so với năm 2015; đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản nhằm bịt các lỗ hổng thể chế. Cùng với đó, những năm qua, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng thường xuyên nhận được nhiều ý kiến góp ý của KTNN về công tác cải cách hành chính.

Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu vừa qua, KTNN cũng đã có nhiều phát hiện quan trọng và đã có kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Điều này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của lãnh đạo KTNN; đồng thời, chứng tỏ chất lượng đội ngũ công chức, kiểm toán viên của KTNN cũng đã được tăng cường.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm: KTNN có vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Số tiền xử lý tài chính của KTNN năm qua có thể ngang bằng với số thu ngân sách của khoảng 10 tỉnh Tây Bắc; con số này cũng thừa để thực hiện chính sách với người có công. Đây là thành công rất lớn của KTNN.

Những năm gần đây, các thể chế chính sách, luật pháp của chúng ta nhất là về tài chính, quản lý chi tiêu ngân sách ngày càng hoàn thiện hơn, trong đó có phần đóng góp của KTNN. KTNN cũng có vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu lại nền kinh tế. Chúng tôi được tham gia vào quá trình này và những nhiệm vụ chúng tôi được giao đã được KTNN tiến hành kiểm toán và được đánh giá khá tốt.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cảm ơn KTNN trong nhiều năm qua đã tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công trong ngành. Điều này giúp chúng tôi giảm dần các sai sót, sử dụng NSNN ngày càng hiệu quả hơn.

NHÓM PHÒNG VIÊN
Cùng chuyên mục
Nâng cao vai trò của KTNN trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước