Nâng tầm giá trị cốt lõi của Thương hiệu quốc gia Việt Nam

(BKTO) - Trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2024, ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam với chủ đề Nâng tầm những giá trị cốt lõi.

16-4-quang-canh.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: M. Thúy

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam, nâng tầm những giá trị cốt lõi ko chỉ là việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng xã hội công bằng và phát triển bền vững.

“Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta và là nền tảng để chúng ta xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tin tưởng, Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam 2024 sẽ là diễn đàn đối thoại chuyên sâu, cái nhìn đa chiều thu hút được sự tham gia đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp liên quan tới xây dựng, phát triển thương hiệu. Từ đó, đưa ra những kiến nghị đề xuất có giá trị, khả thi, giúp tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có những giải pháp định hướng cho THQG Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những thông tin về: Giá trị cốt lõi của THQG và giải pháp nâng tầm giá trị cốt lõi của THQG; Phát huy sức mạnh, gia tăng giá trị sản phẩm 'Made in Vietnam' thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu và đề xuất những định hướng, giải pháp cho Việt Nam.

16.4-dien-gia.jpg
Các diễn giả tham dự Diễn đàn. Ảnh: M. Thúy

Trao đổi về 3 nội dung cốt lõi của Chương trình THQG là “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: Chất lượng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần coi nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất… là vấn đề tiên quyết để sản xuất ra được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp cũng luôn phải linh hoạt, đổi mới sáng tạo để có thể kịp thời thích ứng với sự biến động không ngừng của thế giới trong kỷ nguyên VUCA.

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến yếu tố năng lực tiên phong trong quá trình phát triển bởi đây là yếu tố mang tính quyết định trong công tác quản trị của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp muốn thành công thì phải tạo ra sự khác biệt. Nếu không có sự khác biệt, để thành công, doanh nghiệp phải là người đi đầu trong lĩnh vực của mình” - ông Đức Việt nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gỗ An Cường cho rằng, nếu doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu bằng chính danh tiếng, thương hiệu của mình thì sẽ thu lợi nhuận rất tốt. Theo tính toán, nếu tự làm xuất khẩu, lợi nhuận sẽ dao động từ 8-10% còn khi làm gia công thì lợi nhuận chỉ từ 2-3% thậm chí là hòa vốn nếu quản lý không tốt.

“Do đó, để thành công, doanh nghiệp phải tập trung nhiều hơn cho vấn đề marketing, đẩy mạnh công tác phát triển thương hiệu” - ông Lê Đức Nghĩa nói.

16.4-dai-bieu.jpg
Đại biểu trao đổi trực tiếp với các diễn giả. Ảnh: M. Thúy

Cùng chung quan điểm, bà Jodie Altan - Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, để nâng tầm thương hiệu, Việt Nam cần có những biện pháp kích thích, thúc đẩy được tinh thần sẵn sàng cống hiến của doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, cần khai thác được yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc của mỗi vùng, miền trên đất nước Việt Nam để có thể phát huy được tốt hơn nữa tiềm năng sẵn có.

Để có thể thực sự chắp cánh thương hiệu, theo ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH (Tập đoàn TH), các doanh nghiệp cần đồng hành cùng chương trình Tuần lễ THQG Việt Nam trong các hoạt động quảng bá, truyền thông, hướng tới một mục tiêu chung, đó là phát triển, nâng tầm THQG Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ những hoạt động này. Đây chính là cách truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng vào cuộc, gây dựng niềm tự hào, sức hấp dẫn cho đất nước, con người và các sản phẩm hàng hóa, thương hiệu của Việt Nam.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức của các đơn vị về vai trò, ý nghĩa trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trong sản xuất - kinh doanh, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng cho phát triển thương hiệu. Đồng thời nâng cao nhận thức, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

"Các hiệp hội và doanh nghiệp cũng cần tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững, theo xu hướng kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn" - ông Minh Chiến nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Nâng tầm giá trị cốt lõi của Thương hiệu quốc gia Việt Nam