Nepal: Vốn hỗ trợ từ nước ngoài chưa được chi tiêu hiệu quả

(BKTO) - Vừa qua, Cơ quan Tổng Kiểm toán Nepal đã công bố kết quả một cuộc kiểm toán và cho biết “Hơn 25 triệu rupi Nepal (NPR), tương đương gần 190 nghìn USD, vốn hỗ trợ từ nước ngoài cho nhiều lĩnh vực bị chi tiêu không hiệu quả”.

Theo Báo cáo kiểm toán, Chính phủ đã sử dụng một khoản vốn hỗ trợ từ nước ngoài đáng kể cho các hoạt động quản trị hành chính trong năm tài chính 2021-2022 mặc dù mới nhận được chưa đến một nửa số nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài theo mục tiêu đặt ra trong năm tài chính vừa qua. Chính phủ đã chi tới 25,56 tỷ NPR cho các chương trình chi thường xuyên mặc dù theo kế hoạch, hỗ trợ từ nước ngoài có mục đích chi đầu tư. Chính phủ kỳ vọng nhận được 343,01 tỷ NPR nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài trong năm tài chính 2021-2022, tuy nhiên trên thực tế chỉ nhận được 160,06 tỷ NPR. Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán, số vốn nhận được ít hơn 21,32 tỷ NPR so với năm tài chính trước đó.

dtezpgivmaaxm-1603301636.jpg
Hỗ trợ từ nước ngoài cho Nepal được dùng trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường. Ảnh sưu tầm

Khi nợ công của Nepal – cả trong nước và nước ngoài – tăng nhanh trong những năm gần đây, có những lo ngại về việc sử dụng hợp lý nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài, đặc biệt là các khoản vay. Chính sách hợp tác phát triển năm 2019 quy định, các khoản hỗ trợ từ nước ngoài được sử dụng trong các lĩnh vực đóng góp trực tiếp vào việc bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển khu vực xã hội. Tương tự như vậy, hiện đại hóa và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, nước uống, vệ sinh, xóa đói giảm nghèo và phát triển con người sẽ được ưu tiên khi huy động hỗ trợ không hoàn lại.

Chính sách cũng quy định, các khoản vay ưu đãi sẽ được sử dụng trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng vật lý (thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, cầu đường, thủy lợi, sân bay, đường sắt, phát triển cảng cạn và cơ sở hạ tầng đô thị), cơ sở hạ tầng nông nghiệp và du lịch – những lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kỹ năng, tạo việc làm và thu hút ngoại tệ thông qua việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Báo cáo của Cơ quan Tổng Kiểm toán nêu rõ: “Các biện pháp cần thiết để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài cần được thực hiện do Chính phủ đang khó khăn trong việc huy động hỗ trợ từ nước ngoài và các khoản viện trợ này đang được sử dụng trong các hoạt động chi thường xuyên”.

Cũng theo báo cáo, nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài không được sử dụng hợp lý trong các hoạt động thuộc Chương trình việc làm của Thủ tướng Chính phủ. Trong vòng 3 năm cho đến khi kết thúc năm tài chính vừa qua, có tới 13,02 tỷ NPR đã được chi cho chương trình này. Báo cáo nhấn mạnh: “Tuy nhiên, số tiền này đã được chi cho việc vệ sinh cống rãnh, các dự án nhỏ như sân chơi trường học và xây dựng đường mòn, thay vì các dự án thúc đẩy sản xuất và đầu tư”./.

Cùng chuyên mục
Nepal: Vốn hỗ trợ từ nước ngoài chưa được chi tiêu hiệu quả