Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo thông tin tại Hội nghị, đến ngày 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng 5,56% của toàn quốc).
Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất - tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó, dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, DN nhỏ và vừa giảm 9,78%.
Tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.
Một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng được các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung cung ứng tín dụng với tổng hạn mức cấp tín dụng là 3.193 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, các TCTD đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho 88 lượt khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã chủ động triển khai buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN, góp phần tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân, DN trên địa bàn.
Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Đến nay, các TCTD cam kết giảm khoảng 19.000 tỷ đồng tiền lãi vay cho khách hàng.
Đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình tín dụng đối với lâm sản, thủy sản và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo Chương trình) cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh các giải pháp của các Bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp. Trong đó, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là Chương trình Hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...).
Ngành ngân hàng đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”./.