Ngân hàng cam kết không để doanh nghiệp lâm, thủy sản thiếu vốn

(BKTO) - Không ít doanh nghiệp (DN) lâm, thủy sản muốn các ngân hàng tăng thời hạn khoản vay, có cơ chế xét duyệt vay vốn đơn giản, linh hoạt hơn. Trong khi đó, ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng mở rộng tín dụng để hỗ trợ các DN này vượt khó.

thuy-san.jpg
Ngân hàng cam kết không để DN lâm sản, thủy sản thiếu vốn. Ảnh: ST

Doanh nghiệp kiến nghị tăng thời hạn, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện vay vốn

Cũng như nhiều DN lâm sản khác, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kẻ Gỗ đang đứng trước khó khăn: Tụt giảm lượng hàng bán và tăng chỉ số hàng tồn do tổng cầu thế giới suy giảm, gặp vướng mắc về thủ tục hoàn thuế, một số thị trường xuất khẩu chủ lực có nguy cơ bị thu hẹp.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, Công ty Kẻ Gỗ cũng như rất nhiều DN khác của ngành này rất cần các chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực, trong đó có chính sách về tín dụng.

Ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kẻ Gỗ - mong muốn ngân hàng tăng thời gian của các khoản vay bởi rất nhiều DN gỗ tồn kho trong thời gian dài đang gặp áp lực rất lớn về đảm bảo thời gian đảo các khoản vay này. Đồng thời, ngân hàng cần có cơ chế linh hoạt hơn trong xét duyệt các khoản vay. Đặc biệt, đối với DN nhỏ và vừa, ngân hàng có thể cho phép tài sản đảm bảo là hàng tồn kho hoặc cho vay từ trên đơn hàng.

“Việc này giúp DN có nguồn tín dụng thường xuyên, tránh tình trạng trong bối cảnh tìm đơn hàng đã khó nhưng tìm được lại thì không có tiền để thực hiện đơn hàng” - ông Kiên nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị ngân hàng có thể đánh giá độ tín nhiệm của DN hoặc người vay trong suốt thời gian hoạt động sản xuất của những năm trước để tăng tỉ lệ thế chấp lên, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh thủy sản đạt hiệu quả hơn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - mong muốn lãnh đạo 13 ngân hàng đã đăng ký tham gia gói tín dụng 15.000 tỉ đồng quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh ngay từ khi tiếp nối triển khai; phổ biến sâu rộng tới DN và các cơ sở sản xuất ở các địa phương về gói tín dụng 30.000 tỉ cho lâm, thủy sản.

Ông Nam cũng đề nghị các ngân hàng xem xét các yêu cầu thủ tục, hồ sơ và điều kiện cho vay theo hướng đơn giản và linh hoạt hơn để DN có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn. “Chúng tôi mong muốn rằng, trong gói tín dụng 30.000 tỉ đồng tới đây, phần dành cho xuất khẩu sẽ chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của phần thủy sản, thay vì khoảng 27-28% như trong gói 15.000 tỉ đồng vừa qua.” - ông Nam kiến nghị.

Đến cuối tháng 12/2023, quy mô tín dụng đã lên đến 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với 2022. Trong đó, dư nợ ngành thủy sản đạt 236.624 tỷ đồng tăng 12,26%; dư nợ cho vay ngành lâm sản đạt 204.813 tỷ đồng, tăng trên 35%. Đặc biệt, vừa qua, với gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, dù thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024 nhưng đến cuối tháng 01/2024, có 13 ngân hàng thương mại tham gia chương trình đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Sẵn sàng mở rộng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp

Trước các kiến nghị của DN, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng tăng thêm hạn mức cho vay đối với DN. Về tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho DN nhưng ngân hàng phải xác định được dòng tiền của DN. Do đó, DN cũng phải chia sẻ với ngân hàng trước những nỗi lo về khả năng mất vốn.

Đối với đề xuất kéo dài thời hạn cho vay của DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, câu chuyện này thuộc thẩm quyền của ngân hàng thương mại. Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách cho vay theo chỉ đạo của NHNN. Phía NHNN cũng chỉ đạo tất cả các ngân hàng phải có thông báo cụ thể, hướng dẫn các điều kiện cho vay đối với gói tín dụng 15.000 tỉ đồng và 30.000 tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng để trở thành gói 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại. Đến nay, các ngân hàng đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình  với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.

Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỉ đồng, chiếm 74,3% tổng doanh số cho vay với trên 5.000 lượt khách hàng vay vốn, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỉ đồng, chiếm 25,7% tổng doanh số cho vay với trên 1.460 lượt khách hàng vay vốn.

Để DN không lo thiếu vốn, ông Đào Minh Thú khẳng định ngành ngân hàng cam kết sẽ đồng hành với DN lâm sản, thủy sản vượt qua khó khăn. “Nếu hết 30.000 tỉ đồng, tôi sẵn sàng đề suất 45.000 tỉ đồng thậm chí 50.000 tỉ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ DN vượt khó trong giai đoạn hiện nay” - ông Đào Minh Tú nói.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết thêm: Trong thời gian tới, NHNN và hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của người dân, DN thuộc các ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Ngành ngân hàng sẽ tích cực triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng, trong đó có khách hàng thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản đang gặp khó khăn được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới nhằm khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN để nắm bắt, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, DN, trong đó có DN lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp cận vốn tín dụng.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, để các chính sách, giải pháp của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ 2 ngành hàng chuyển đổi, phát triển bền vững và đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2024, cần sự triển khai đồng bộ các chính sách và vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN./.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng cam kết không để doanh nghiệp lâm, thủy sản thiếu vốn