Ngăn ngừa tình trạng lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc

(BKTO) - Kéo dài quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động thêm 2 năm, đồng thời không trả tiền ký quỹ với lao động xuất khẩu bỏ hợp đồng được xem là những đề xuất nhằm siết chặt tình trạng lao động “chui” của Việt Nam tại Hàn Quốc... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho biết, hiệu quả từ cách làm này sẽ được xem xét và mở rộng áp dụng đối với lao động tại các thị trường khác.



Kéo dài thời gian ký quỹ

Hàn Quốc là một trong ba thị trường lớn nhất tiếp nhận lao động của Việt Nam. Hiện tại, thị trường này có hơn 40.000 lao động làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Đây là thị trường mang lại cho lao động nguồn thu nhập cao, với mức lương cơ bản từ 1.500-2.000 USD/tháng (tương đương từ 34 - 45 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền làm thêm. Trước sức hút từ thị trường này, nhiều năm gần đây, tình hình lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng tại đây tăng cao, dẫn đến phía Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc theo Chương trình EPS vào năm 2012. Tới năm 2016, phía Hàn Quốc mới mở cửa lại thị trường, tuy nhiên, đây chỉ là ký thoả thuận tiếp nhận lao động theo từng năm.

Từ thực tế này, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất và được Chính phủ cho phép áp dụng quy định lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc phải ký mức quỹ là 100 triệu đồng/người, thí điểm từ tháng 8/2013 và kết thúc vào tháng 8/2018.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Gia Liêm, việc ký quỹ nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động, giảm tình trạng lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Kết quả đánh giá bước đầu đã cho thấy tín hiệu khả quan, khi lượng lao động phá bỏ hợp đồng đã giảm hơn so với trước.

Ông Liêm cho biết, dự kiến từ tháng 9/2018 đến hết năm 2020, có 10.462 lao động hết hạn hợp đồng 4 năm 10 tháng phải về nước, chiếm 45,4% số lao động ký quỹ (23.019 người). Thị trường lao động Hàn Quốc được mở rộng hay đóng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn. Nếu tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tiếp tục vượt quá 4% so với cam kết tại Chương trình ESP thì Việt Nam sẽ bị “cấm cửa” tại thị trường này. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Trong đó, Dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động đến hết tháng 8/2020.

Sẽ đánh giá tính hiệu quảcủa quy định ký quỹ

Bên cạnh việc đề xuất kéo dài thời gian áp dụng việc ký quỹ, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, một số quy định về vấn đề này đã bộc lộ hạn chế cần phải sửa đổi. Theo đó, đối với việc quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động vi phạm, trong lần sửa đổi này, Bộ đề nghị chuyển số tiền này vào NSNN tại địa phương, nơi người lao động cư trú trước khi xuất cảnh để địa phương quản lý và sử dụng. Đối với những trường hợp được trả lại tiền, ngoài các đối tượng về nước đúng hạn, về nước do bệnh tật, thiên tai..., Dự thảo Quyết định còn bổ sung thêm người lao động chấm dứt hợp đồng do chuyển đổi thị thực làm việc và mục đích lưu trú tại Hàn Quốc.

Theo TS. Nguyễn Lê Minh - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực (Bộ LĐ-TB&XH), quy định lao động đi xuất khẩu phải ký quỹ là cần thiết nhằm “trói buộc” người lao động phải tuân thủ quy định pháp luật về lao động, tuy nhiên, việc quản lý nguồn quỹ này ra sao để người lao động yên tâm cũng rất đáng bàn.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cũng cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần sớm sơ kết, đánh giá những kết quả trong việc thực hiện ký quỹ, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế. Nếu chính sách mang lại hiệu quả cao thì có thể mở rộng đối tượng ký quỹ để làm giảm tình trạng lao động bỏ trốn vốn phức tạp hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - cơ quan được giao quản lý quỹ - cho biết, trong thời gian người lao động làm việc tại Hàn Quốc, số tiền ký quỹ được NHCSXH quản lý chặt chẽ, luôn đảm bảo số dư tiền gửi ký quỹ của mỗi lao động là 100 triệu đồng. NHCSXH có trách nhiệm trả lãi định kỳ theo quy định cho người ký quỹ. Ngân hàng sẽ hoàn trả và tất toán tài khoản tiền gửi ký quỹ cho người lao động khi nhận được thông báo của Bộ LĐ-TB&XH về việc này.

Theo đó, đối với người lao động về nước trước hạn do vi phạm hợp đồng, NHCSXH căn cứ thông báo của cơ quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH để trả cho cơ quan này những khoản thiệt hại do người lao động gây ra, số còn lại trả cho người lao động, nếu tiền ký quỹ không đủ bù đắp thiệt hại thì người lao động phải nộp thêm.

Trao đổi với Báo Kiểm toán về tính hiệu quả của quy định ký quỹ, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành đánh giá đầy đủ tính hiệu quả của chính sách này. Căn cứ vào đó, Bộ có thể đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng lao động phải ký quỹ.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Ngành Nông nghiệp chuyển biến sau 5 năm tái cơ cấu
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (2013-2018), những kết quả thu được là rất ấn tượng, cho thấy ngành nông nghiệp đã phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên nhiều lĩnh vực. Đó là đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội.
  • Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/11, về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Nghị quyết số 30), đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 01/02/2019, đồng thời, để nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.
  • 10 tháng: Xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu cả năm 2018
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 10/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động.
  • Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thay mặt Chính phủ thuyết minh về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước Quốc hội sáng 2/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam…
  • TP. Hà Nội được lập Đề án thu phí vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và TP. Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thủ đô. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Ngăn ngừa tình trạng lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc