Ngành Nông nghiệp chuyển biến sau 5 năm tái cơ cấu

(BKTO) - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (2013-2018), những kết quả thu được là rất ấn tượng, cho thấy ngành nông nghiệp đã phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên nhiều lĩnh vực. Đó là đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội.



                
   

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Lê Hòa

   
Theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng. Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục vào năm 2017 là 36,3 tỷ USD, dự kiến năm 2018 đạt mức 40 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế.

Trong đó, đóng góp của ngành nông nghiệp trong từng trụ cột, trước hết về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.

Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.

Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%), tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã được từng bước giám sát, xử lý nghiêm.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn khá chậm. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp, tính liên kết vùng còn yếu, chưa thực hiện được tái cơ cấu một cách sát sao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cho rằng, những thành công trong 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là những thành công bước đầu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn tới vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do vậy, mỗi người nông dân cần tiếp tục chủ động, tích cực, các DN không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các Bộ, ban, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền. Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.
         
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Theo đó, có 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối, phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/11, về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Nghị quyết số 30), đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 01/02/2019, đồng thời, để nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.
  • 10 tháng: Xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu cả năm 2018
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 10/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động.
  • Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thay mặt Chính phủ thuyết minh về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước Quốc hội sáng 2/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam…
  • TP. Hà Nội được lập Đề án thu phí vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và TP. Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thủ đô. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện nhiều.
  • Trái phiếu xanh - kênh thu hút vốn đầy tiềm năng
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Tổ chức năng lượng quốc tế IEA, để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ/năm. Hiện nay, nguồn tài chính cho các dự án chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ sạch và thân thiện với môi trường đang là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia. Bởi vậy, trái phiếu xanh (TPX) đang được xem như một kênh thu hút vốn hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ngành Nông nghiệp chuyển biến sau 5 năm tái cơ cấu