Ngành bán lẻ Việt Nam bứt phá hậu đại dịch

(BKTO) - Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong hai năm qua do hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam được cho là sẽ có những bước tiến lớn trong năm 2022. Điều này được thể hiện khá rõ qua sự tăng trưởng nhanh chóng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có bán lẻ với sự hỗ trợ của đa kênh.



                
   

   

Các mô hình bán lẻ vận động và phát triển

Theo Báo cáo “Ngành bán lẻ tại Việt Nam: Mô hình đa kênh “cất cánh” do Deloitte Việt Nam phát hành mới đây, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực thành thị đã quen với mua hàng đa kênh (cửa hàng truyền thống, trang web, bên thứ ba hỗ trợ tin tức, quảng cáo, khuyến mại…). Điều này cho thấy các nhà bán lẻ đã triển khai thành công chiến lược đa phương thức với công cụ hỗ trợ là kỹ thuật số.

Thông qua nền tảng trực tuyến hoặc di động, các nhà bán lẻ có thể tiếp cận những người tiêu dùng ở xa cửa hàng và tăng cường sự tham gia của khách hàng thông qua nhiều ứng dụng để nâng cao trải nghiệm, cũng như cung cấp thêm sự tìm kiếm, so sánh sản phẩm trực tuyến trước khi đưa ra quyết định mua hàng cuối cùng.

Khi các nhà bán lẻ tìm cách tận dụng xu hướng đa kênh, chúng ta cũng đang chứng kiến sự xuất hiện của một số quan hệ đối tác sáng tạo mới trên thị trường. Chẳng hạn như Chương trình “Ứng dụng nông nghiệp Việt Nam” do Liên minh Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn phối hợp với nền tảng thanh toán di động Momo ra mắt để hỗ trợ nông nghiệp địa phương. Một số sáng kiến gần đây của ứng dụng này là khuyến mại mua vải thông qua nền tảng ví điện tử Momo.
                
   

   

Nghiên cứu của Deloitte cũng đề cập về tác động của Covid-19 đến phân khúc hàng tạp hóa và phi tạp hóa, cũng như cách mà các mô hình bán lẻ vận động và phát triển. Theo đó, các nhà bán lẻ tạp hóa truyền thống vẫn chiếm thị phần lớn. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thói quen mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa truyền thống đã chuyển sang các kênh khác như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, siêu thị lớn với lợi thế thanh toán di động.

Ngay trong đại dịch, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng phát triển và xuất hiện trên nhiều kênh, trong đó có cả các nền tảng giao đồ ăn. Nhiều thương hiệu đã phát triển và cho ra mắt ứng dụng điện thoại độc quyền để tương tác trực tiếp với khách hàng. Xét về thị phần, các chuỗi cửa hàng nước ngoài thống trị phân khúc cửa hàng tiện lợi của Việt Nam, với bốn trong số năm thương hiệu hàng đầu thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia nước ngoài.

Thêm vào đó, nhiều nhà bán lẻ không phải hàng tạp hóa cũng đã bắt đầu thâm nhập vào phân khúc bán lẻ tạp hóa. Tháng 5/2021, nền tảng thương mại điện tử Tiki đã ra mắt hàng tạp hóa của mình TikiNgon để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng trong danh mục thực phẩm tươi sống.

Cũng trong bối cảnh đại dịch, các siêu thị lớn đã tận dụng xu hướng chuyển dịch sang các kênh kỹ thuật số bằng cách mở rộng sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử và thương mại di động.

Hiện nay, các công ty đa quốc gia nước ngoài tiếp tục chiếm ưu thế phân khúc siêu thị lớn, một số siêu thị lớn sử dụng các loại sản phẩm độc đáo của riêng họ như một lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, người tiêu dùng luôn quan tâm đến giá cả và các chuỗi siêu thị cũng đã tận dụng điểm này để bán các sản phẩm nhãn hiệu riêng của họ với mức giá ưu đãi.
                
   

   

Xu hướng số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng bán lẻ

Theo ông Vũ Đức Nguyên - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ngành hàng tiêu dùng Deloitte Việt Nam, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới. Một số thói quen tiêu dùng gắn với mô hình đa kênh sẽ không chỉ là tạm thời mà sẽ trở thành thói quen lâu dài, khi người tiêu dùng quen với sự tiện lợi mà mô hình này đem lại.

Theo đó, sẽ có hai xu hướng tiếp tục phát triển trong thời gian tới có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường bán lẻ là: Sử dụng ví điện tử - thanh toán không tiền mặt tiếp tục được đẩy nhanh và thương mại điện tử trong lĩnh vực bán buôn sẽ có sự tăng trưởng đáng kể.

Nghiên cứu của Deloitte đã chỉ ra rằng, có rất nhiều phương thức thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử trên thị trường Việt Nam. Việc ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến đối với những người tiêu dùng thành thị đã tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc trong thương mại điện tử. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng rất khuyến khích hình thức này với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đạt 50% và 80% dân số Việt Nam được tiếp cận với thanh toán điện tử.

Một xu hướng nữa được nhắc đến là sự bùng nổ trong lĩnh vực bán buôn giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Trên thực tế, Việt Nam hiện là thị trường thương mại điện tử B2B phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Năm 2020, giá trị thị trường thương mại điện tử B2B đạt 13,2 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ hằng năm khoảng 43% đến năm 2025.

Các chuyên gia của Deloitte nhấn mạnh rằng, hai xu hướng trên đã thể hiện rất rõ ràng khả năng số hóa đầu cuối của lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Số hóa sẽ không còn giới hạn ở trải nghiệm khách hàng với mối quan hệ khách hàng - doanh nghiệp (B2C) mà chúng ta có thể mong đợi chứng kiến một quá trình số hóa trên diện rộng toàn bộ chuỗi cung ứng bán lẻ./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Ngành bán lẻ Việt Nam bứt phá hậu đại dịch