Đổi đất rừng để làm dự án hồ thủy lợi và cam kết trồng rừng thay thế của Bình Thuận từng làm dậy sóng dư luận cách đây chưa lâu.
Và mới đây, khi Kiểm toán nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022” tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó chỉ rõ nhiều cam kết trồng rừng vẫn chưa được thực hiện thì câu chuyện của Bình Thuận cùng với kết quả kiểm toán tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề: Tính khả thi của các cam kết trồng rừng ra sao? Cơ quan nào giám sát việc này? Trường hợp các cam kết không được thực hiện thì trách nhiệm thuộc về ai và chế tài xử lý ra sao?
Với mong muốn làm sáng tỏ những câu hỏi này, Báo Kiểm toán sẽ tổ chức Tọa đàm truyền hình “Trồng rừng thay thế: Trách nhiệm thuộc về ai?” vào lúc 14 giờ 30 phút, ngày 30/11/2023 tại Trường quay Báo Kiểm toán (111 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Hai khách mời tham gia Tọa đàm là TS. Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II.
Các diễn giả sẽ tập trung làm rõ những khó khăn, bất cập trong việc trồng rừng thay thế qua kết quả kiểm toán, trong đó, nguyên nhân lớn nhất khiến việc trồng rừng gặp khó khăn, vướng mắc từ đâu? Các phát hiện và kiến nghị kiểm toán
Bên cạnh đó, các diễn giả sẽ bình luận về một số phát hiện kiểm toán nổi bật như: Các đơn giá để trồng rừng thay thế, một số công tác chưa có định mức; chưa quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tại địa phương dẫn đến việc giám sát và triển khai thực hiện việc trồng rừng thay thế chưa đảm bảo…
Theo kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022, diện tích rừng giảm do chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác từ khi phát sinh việc trồng rừng thay thế đến 31/12/2022 là 34.346,95 ha. Vẫn còn hơn 3.243 ha của 33 địa phương chưa được trồng rừng thay thế.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ kinh phí tồn dư lũy kế từ khi thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng địa phương (năm 2012) đến 31/12/2022 là hơn 1.647 tỷ đồng chưa thực hiện được trồng rừng thay thế. Một số chủ dự án nợ tiền trồng rừng thay thế đến 31/3/2023 là trên 123 tỷ đồng, điều này cũng làm ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi trồng rừng thay thế.
Nguy cơ mất rừng và những hệ lụy từ việc mất rừng là điều khó tránh khỏi nếu các địa phương chỉ xem trọng việc lấy rừng làm dự án nhưng lại xem nhẹ các giải pháp kịp thời, căn cơ đối với việc trồng rừng thay thế.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia sẽ đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong việc trồng rừng thay thế, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, hướng đến mục tiêu phát bền vững, đảm bảo định hướng: Không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia cũng nêu quan điểm về việc Bình Thuận dự kiến sẽ lấy hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi và sẽ trồng rừng thay thế hơn 1.800 ha…
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Tọa đàm.