Nghị trường và những đề xuất đột phá

(BKTO) - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chương trình nghị sự của Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng nhằm đồng hành cùng Chính phủ gỡ khó cho nền kinh tế, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

245868068edd508309cc.jpg

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng

Báo cáo của Chính phủ đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 và tình hình KTXH những tháng đầu năm 2023 cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình Kỳ họp thứ 5 đều có chung đánh giá: Nền kinh tế nước ta đang bộc lộ những khó khăn, thách thức. Điều này được minh chứng rõ hơn khi GDP quý I/2023 rất thấp; các động lực chính của tăng trưởng như: Xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu; chậm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn FDI 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ trong khi lãi suất cho vay cao; thu ngân sách nhà nước giảm… Những khó khăn này sẽ gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Nhìn nhận những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, Chính phủ xác định, thời gian tới, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng... Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tập trung cho các động lực tăng trưởng; tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tại Kỳ họp thứ 5, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét một số nội dung nhằm gỡ khó cho nền kinh tế. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi, phát triển KTXH nhằm phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Quốc hội cũng xem xét việc tiếp tục giảm thuế Giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tạo điều kiện cho Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Với số lượng lên đến 20 dự án, dự thảo được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp cần được thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng. Đặc biệt, cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trong công tác lập pháp, ngoài cho ý kiến lần thứ hai đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội sẽ tiến hành sửa Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường quan trọng này; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Quốc hội cũng cho ý kiến đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với mục tiêu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023…

Cùng với đó, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) cũng được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi đối với các lĩnh vực này.

“Bốc thuốc” bệnh né trách nhiệm

Bên cạnh nỗi lo về tình hình kinh tế, tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trong công việc đang lan truyền chính là một trong những "nút thắt" gây đình trệ các hoạt động KTXH, đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội có những quyết sách để chấn chỉnh. Báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét: Có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và không làm.

Nhận diện vấn đề này là biểu hiện của tiêu cực, trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng, chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Cần khẩn trương ban hành nghị định quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời xử lý các trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ. Đồng thời, sớm hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm, cán bộ sợ sai thì tốt nhưng sợ sai đến mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc thì mới là đáng sợ.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) thì kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ; trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp.

Xuất phát từ những tâm tư, nguyện vọng được cử tri gửi gắm, từ tình hình thực tiễn của đất nước, cử tri và nhân dân kỳ vọng, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đóng góp công sức, trí tuệ nhằm đưa ra những quyết sách căn cơ, đúng đắn để Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp./.

Cùng chuyên mục
Nghị trường và những đề xuất đột phá