Ngoại giao kinh tế đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội
Chia sẻ về công tác NGKT trong thời gian qua, bà Đoàn Phương Lan - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao - cho biết, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, công tác NGKT đã được đẩy mạnh triển khai toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, đóng góp thiết thực vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, trong hơn 110 hoạt động đối ngoại trong giai đoạn 2022-2023 của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và cấp cao, nội hàm kinh tế là trọng tâm được chú trọng thúc đẩy. Theo đó, các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược đã được nâng cấp, nhiều khuôn khổ hợp tác mang tính đột phá được thiết lập và hàng trăm thỏa thuận kinh tế được ký kết. Khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố như nâng tầm và nâng cấp quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược theo lĩnh vực với Singapore, Đan Mạch, Luxembourg và nhiều đối tác khác.
Đặc biệt, địa phương, doanh nghiệp đã thực sự trở thành trung tâm trong triển khai NGKT. Theo đó, ngành ngoại giao đã tích cực đồng hành, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, du lịch, các ngành xuất khẩu chủ lực (như: Dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản)… Đồng thời, công tác hỗ trợ các địa phương xúc tiến kinh tế đối ngoại cũng được đẩy mạnh. Công tác thông tin cho doanh nghiệp về các xu thế, quy định mới trong thương mại quốc tế, các nguy cơ phòng vệ thương mại, rủi ro trong kinh doanh được triển khai kịp thời. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia xử lý các vướng mắc, tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác NGKT đã góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế của đất nước. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); kết thúc đàm phán FTA với Israel; đang thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác tiềm năng như: Khối Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ…
Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa cam kết của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050, công tác NGKT được đẩy mạnh đã giúp đất nước bước đầu thu hút thành công các dự án đầu tư xanh, công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời đang đẩy mạnh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược, đột phá như ngành bán dẫn…
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đánh giá, công tác NGKT đã đóng góp hiệu quả trong việc huy động nguồn lực cho phát triển, trong đó có nguồn lực hỗ trợ cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước. Đồng thời, các nỗ lực thúc đẩy NGKT cũng góp phần đẩy mạnh nâng tầm đối ngoại đa phương, đưa đất nước chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia hiệu quả, có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế.
Đẩy mạnh triển khai ngoại giao kinh tế để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển
Năm 2024 đánh dấu bước chuyển sang nửa sau của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, là giai đoạn cần tăng tốc, bứt phá và có ý nghĩa quyết định để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng quan trọng hướng tới các mục tiêu chiến lược vào năm 2030 và năm 2045. Để đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, trong thời gian tới, đối với công tác NGKT, ngành ngoại giao cần tập trung vào một số nội dung.
Trước hết, ngành cần làm tốt vai trò thông tin ở cả hai chiều: thông tin về Việt Nam đến bạn bè, đối tác trên thế giới và thông tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước về các xu hướng, diễn biến chính sách ở các nước đối tác có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại của Việt Nam. “Trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục có những động thái chính sách có tác động nhanh, mạnh và lâu dài đối với đầu tư, chuỗi cung ứng thì việc làm tốt công tác thông tin sẽ mang lại những lợi thế, cơ hội không nhỏ cho phát triển kinh tế nói chung và hợp tác về công nghệ, chuỗi cung ứng nói riêng của đất nước” - ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cần thực hiện tích cực hơn vai trò kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hoạt động kết nối, thúc đẩy liên kết hợp tác không chỉ giới hạn ở các hoạt động có liên quan mật thiết đến xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mà còn phải gắn với thúc đẩy hợp tác về khoa học - công nghệ, các ngành công nghệ cao…, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Về phía ngành ngoại giao, bà Đoàn Phương Lan cho biết, trong thời gian tới, công tác NGKT sẽ tập trung hỗ trợ đắc lực cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như: Xuất khẩu, đầu tư; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn lực về công nghệ, kinh nghiệm, nguồn vốn, nhất là đầu tư công nghệ cao và tài chính xanh để phục vụ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, nội hàm kinh tế sẽ tiếp tục là trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động đối ngoại cấp cao, góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ, gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác song phương và đa phương. “NGKT cấp cao sẽ là “mặt trận” quan trọng, chủ chốt để không ngừng củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, mở ra các khuôn khổ hợp tác mới, mang tính đột phá phục vụ thiết thực cho phát triển đất nước” - bà Lan nhấn mạnh./.