Báo cáo tại Đại hội trước sự tham gia của 317 đại biểu đại diện cho ý chí, tiếng nói của hơn 116 nghìn đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động của 116 công đoàn cơ sở trên cả nước, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, các đoàn viên, người lao động có nhiều ý kiến đối với việc sửa đổi chế độ ốm đau trong Luật BHXH.
Cụ thể, Luật BHXH cần sửa đổi theo hướng quy định thời gian hưởng chế độ con ốm đau đối với người lao động có con dưới 10 tuổi và xem xét quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau dựa theo loại bệnh, tình trạng bệnh, mức độ bệnh của con. Đồng thời, người lao động kiến nghị bổ sung quy định thời gian hưởng chế độ khi cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ vợ (chồng) từ 70 tuổi trở lên ốm đau.
Về chế độ thai sản, người lao động ngành dệt may đề xuất tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 đến 9 lần, mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Đặc biệt, cần bổ sung thêm quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.
Liên quan đến chính sách BHXH một lần, đoàn viên, người lao động dệt may có ý kiến, hiện nay, Dự thảo Luật BHXH đang dự kiến 2 phương án: cho phép rút BHXH một lần (như Luật BHXH 2014); hoặc được rút BHXH một phần nhưng tối đa không quá 50%…
Với chính sách này, đoàn viên, người lao động đề xuất nên quy định theo hướng người lao động được giải quyết chế độ BHXH một lần chứ không theo phương án chia thành nhiều lần rút như Dự thảo Luật BHXH dự kiến để có thể hạn chế việc cán bộ thực thi gây khó khăn cho người lao động.
Đối với điều kiện và mức hưởng lương hưu, đoàn viên, người lao động ngành dệt may cho rằng cần xem xét lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam vì mức hưởng lương hưu từ đủ 15 năm của lao động nam đang bị tính giảm cơ học gây nên sự bất bình đẳng đối với lao động nam so với lao động nữ.
Việc rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu nhưng không giảm tuổi nghỉ hưu dẫn đến khả năng người lao động ngành dệt may sẽ vẫn lựa chọn chế độ BHXH một lần mà khó có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu - Công đoàn Dệt may Việt Nam nêu quan điểm.
Liên quan đến vướng mắc về thẻ BHYT với người lao động nghỉ việc trên 14 ngày, đoàn viên, người lao động ngành dệt may đề nghị BHXH cần có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục để người lao động nghỉ không hưởng lương đóng BHYT tránh thiệt thòi cho người lao động nếu trong thời gian này bị ốm đau cần khám chữa bệnh.
Đối với các trường hợp người lao động thừa năm đóng BHXH nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động, đoàn viên, người lao động dệt may đề nghị sửa đổi Luật BHXH theo hướng tính toán bù đắp (mỗi năm đóng bảo hiểm thừa tương đương với một năm thiếu tuổi) để tránh thiệt thòi cho người lao động tham gia thị trường lao động sớm, phải nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động.
“Với những hoạt động thực chất, đem lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, sức hấp dẫn của Công đoàn Dệt may Việt Nam với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành ngày càng tốt hơn. Toàn hệ thống nhiệm kỳ qua không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công, bãi công diện rộng, các thắc mắc của người lao động được tổ chức Công đoàn đứng ra đối thoại kịp thời với người sử dụng lao động…” - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhấn mạnh./.