Nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ

(BKTO) - Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất bổ sung quy định nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

202502070816039890_dsc_1646.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tháo gỡ bất cập trong quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc cơ sở giáo dục đại học

Sáng 07/02, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà giáo.

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với Dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Liên quan đến quy định về quyền của nhà giáo quy định tại Điều 8 của Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thông tin, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, hiện nay, Luật Giáo dục đại học quy định cơ sở giáo dục đại học được phép thành lập doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng, viên chức không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

202502070959505056_dsc_2001.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, rà soát sửa đổi quy định của các luật liên quan tại điều khoản chuyển tiếp.

Điều 8: Quyền của nhà giáo:

b) Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Trích điểm b, khoản 2, Điều 8 Dự thảo Luật Nhà giáo trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 42).

“Cởi trói” cho các nhà công nghệ là nhà giáo

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH bày tỏ đồng tình việc bổ sung quy định nhà giáo có quyền tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, Luật Viên chức đã có quy định các giảng viên có quyền góp vốn, tuy nhiên Điều 14 Luật Viên chức hiện hành quy định không được phép tham gia điều hành các doanh nghiệp, công ty… Để khắc phục vấn đề này, Dự thảo Luật đã sửa Điều 55 Luật Giáo dục đại học và đã có sự điều chỉnh.

Ông Lê Quang Huy cũng cho biết, hiện nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ đang trong quá trình rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền liên quan đến sửa hệ thống pháp luật phục vụ cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.

“Chúng tôi đang bàn với các cơ quan thể hiện rõ quan điểm là các giảng viên được góp vốn và được tham gia điều hành các doanh nghiệp khởi nguồn. Thực chất, đây là các doanh nghiệp dùng tài sản trí tuệ là các kết quả nghiên cứu đưa ra thị trường để thương mại hóa sản phẩm, thể hiện rõ sự kết nối giữa viện, trường với các doanh nghiệp. Điều này cần được ủng hộ” - ông Lê Quang Huy nói.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc quy định nhà giáo được tham gia điều hành doanh nghiệp là điều “hết sức cách mạng”; cũng là góp phần thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW về phát triển khoa học công nghệ.

Từ kinh nghiệm thực tiễn đã từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, bà Hải cho rằng, việc hình thành doanh nghiệp công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học là hết sức quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của nền công nghệ nước nhà.

Trong các trường đại học có mô hình như các “vườn ươm” công nghệ, từ các ý tưởng công nghệ đó chuyển giao sang doanh nghiệp về khoa học công nghệ trong nhà trường. Các thầy cô giáo trong trường là chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, có những ý tưởng, đề tài trong các “vườn ươm” công nghệ được chuyển giao sang các doanh nghiệp do chính các nhà giáo điều hành, quản lý. Điều này sẽ hết sức thuận lợi, góp phần đóng góp rất lớn vào việc thực hiện Nghị quyết số 57, “cởi trói” cho các nhà công nghệ đồng thời là nhà giáo trong các trường đại học lớn - bà Hải phân tích.

Kết luận phiên thảo luận, liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, UBTVQH cơ bản thống nhất cho phép viên chức là nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Theo đó, điều kiện, đối tượng áp dụng là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học, tham gia quản lý, điều hành đối với doanh nghiệp của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

“Điều này là đúng chủ trương của chúng ta hiện nay, đó là cơ sở giáo dục, đào tạo phải gắn việc nghiên cứu với doanh nghiệp, gắn với sản xuất, với thị trường” -Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi thiết kế nội dung này cần rà soát quy định phù hợp và đảm bảo tính tương thích giữa các luật có liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, công nghệ, Luật Phòng, chống tham nhũng để đảm bảo khả năng thực thi.

Cùng chuyên mục
  • Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban sau sắp xếp
    7 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Sau khi sắp xếp, số lượng các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.
  • Cân nhắc một số chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam
    7 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý đối với Đề nghị xây dựng Nghị định xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
  • Đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật
    8 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó rút ngắn thời gian ban hành luật.
  • Minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền
    8 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền, làm rõ điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức, người được phân cấp, bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.
  • Cân nhắc mở rộng đối tượng doanh nghiệp được đăng ký thành viên Trung tâm tài chính
    8 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng đối tượng doanh nghiệp được phép đăng ký thành viên của Trung tâm tài chính.
Nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ