Năm 2015 đánh dấu bước thay đổi tích cực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam khi chính thức cổ phần hóa. Ảnh: TS
Điểm lại những “mốc son” trong năm qua, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu, FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, FTA với Hàn Quốc, Hiệp định thương mại biên giới với Lào. Đặc biệt, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được 12 nước tham gia đã đi đến thỏa thuận và kết thúc đàm phán vào đầu tháng 10/2015. Trong những ngày cuối năm, khi đang ráo riết chuẩn bị cho cánh cửa hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN mở rộng, Việt Nam đã tiếp tục kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Trước những thời cơ và vận hội mới, cộng đồng DN Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào?
Kết quả khảo sát các DN có doanh thu lớn nhất Việt Nam công bố năm 2015 cho thấy, DN đều tỏ ra lạc quan khi cho rằng hầu hết các cam kết hội nhập đều mang lại những tác động tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó, Hiệp định TPP được đánh giá là có tác động rất đáng kể. Bởi yếu tố cạnh tranh lành mạnh cũng như việc xóa bỏ thế độc quyền ở một số mặt hàng đặc thù và phân khúc thị trường đặc biệt là điều khiến 90% DN lớn tham gia khảo sát kỳ vọng sẽ tạo ảnh hưởng tích cực nhiều nhất. Thực hiện theo các cam kết hội nhập, DNNN sẽ phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các DN tư nhân. Có 87,8% số DN phản hồi tin rằng điều này sẽ tạo ra những chuyển biến tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Việt nói chung.
Viễn cảnh hội nhập nhìn qua lăng kính khả quan đang trở thành động lực giúp các DN tin tưởng hơn vào chiến lược tăng trưởng trong tương lai. Một kết quả khảo sát chỉ ra rằng: tăng năng suất, cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý và phát triển các dòng sản phẩm/dịch vụ mới đang và tiếp tục là Top 3 chiến lược tăng trưởng được nhiều DN tập trung hướng tới.
Theo ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, niềm tin thành công trong hội nhập của Tập đoàn là vững chắc. Năm 2015 đánh dấu bước thay đổi tích cực trong cơ cấu tổ chức của Tập đoàn khi chính thức cổ phần hóa, tạo nền tảng cơ chế hoạt động mới chuyên nghiệp, cạnh tranh và chủ động hơn. Sau cổ phần, Tập đoàn từng bước đổi mới mô hình quản lý, đổi mới tầm nhìn và giải pháp chiến lược để vững vàng trước cơ hội mà TPP và các FTA khác mang lại.
Động lực của hội nhập một mặt khuyến khích các DN Việt Nam đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực, đón đầu các cam kết thực thi, có hiệu lực, một mặt sẽ tạo lực đẩy để thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam.
Thể chế chính sách và nội lực DN: Hai yếu tố quyết định thành công
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 là chuẩn bị tích cực cho việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mới. Cơ hội mở ra, nhưng gánh nặng của hội nhập cũng đè lên vai cả các cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN”.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận: để hỗ trợ DN cạnh tranh thành công, không thể xem nhẹ vai trò của thể chế, chính sách! Khi được hỏi về các giải pháp cần Chính phủ ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu các DN mong muốn Chính phủ cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tính hiệu lực của các văn bản chính sách.
Bên cạnh đó, cộng đồng DN trong từng lĩnh vực ngành hàng cũng cho rằng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành là yếu tố đáng ngại nhất đối với tăng trưởng. Do đó, nhu cầu về thông tin minh bạch hiện nay là vô cùng cần thiết, bởi chỉ với thông tin chính xác, các nhà hoạch định chiến lược mới có thể đưa ra một kế hoạch tăng trưởng trung và dài hạn khả thi, phù hợp với năng lực DN cũng như xu thế thị trường chung, đồng thời giảm thiểu những sai lệch trong công tác dự báo. Vì lẽ đó, nhiều DN cũng bày tỏ mong muốn tiếp cận được các thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, để từ đó thực hiện tốt theo chủ trương của Nhà nước, cũng như tăng tính hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, chúng ta đã đi được một chặng đường dài, nước ta là một trong những nước hăng hái nhất trong việc cam kết gia nhập các định chế kinh tế khu vực và quốc tế, ký kết rất nhiều FTA từ Đông sang Tây, đặc biệt gần đây đã kết thúc đàm phán TPP - một hiệp định về hội nhập ở đẳng cấp cao hàng đầu thế giới. Vấn đề là làm sao để chuẩn bị và thực thi đúng các cam kết đó, kể cả về thể chế và sức cạnh tranh của DN, của cả nền kinh tế.
“Chúng ta đã “cưỡi lên lưng hổ”, không thể không gồng mình phi tới trên con đường phát triển và hội nhập đầy cơ hội nhưng cũng đầy thách thức lớn hơn trước đây rất nhiều. Tất cả là tùy thuộc ở nỗ lực của toàn bộ hệ thống bên trong nền kinh tế từ Trung ương đến địa phương và DN, cần nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và ngay cả trên “sân nhà”! - TS Lưu Bích Hồ đúc kết.
Đòi hỏi tất yếu hiện nay là mỗi DN phải thực hiện cho được việc hiện đại hóa quản trị DN theo những chuẩn mực quốc tế. Như vậy mới có thể làm cho DN hoạt động hiệu quả và gặt hái thành công từ các cam kết trong các hiệp định hội nhập quốc tế như: TPP và các FTA thế hệ mới. Về phía Nhà nước, cần vực dậy khu vực DN tư nhân để đóng vai trò nền tảng và động lực chủ yếu trong nền kinh tế, thực hiện nhanh việc hỗ trợ khu vực DN vừa và nhỏ lập thêm DN mới. Cùng với đó, phải mau chóng làm lớn mạnh khu vực DN trong nước để đủ sức chi phối nền kinh tế. Muốn vậy, DN trong nước phải thật sự làm chủ được việc sử dụng công nghệ hiện đại, tiếp thu và lĩnh hội việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đồng bộ và toàn diện./.
HỒNG THOAN