Từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn. Ảnh: ST
Những kết quả bước đầu
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%). Bình quân giai đoạn 2010-2015, GDP ngành tăng 3,12%/năm.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh để nâng cao giá trị sản phẩm; công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ được coi là then chốt để tạo đột phá cho tái cơ cấu nông nghiệp. Công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông-lâm-thủy sản. Cả nước có trên 6.000 cơ sở chế biến nông-lâm-thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó chế biến công nghiệp một số ngành hàng: thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
Một thành công khác của quá trình tái cơ cấu là các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Theo TS Trần Gia Long - Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2015, có khoảng 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo cánh đồng lớn với khoảng 556.000 ha, tăng gần 900 mô hình và hơn 339.000 ha so với năm 2013. Các DNNN được sắp xếp lại và đổi mới cơ chế hoạt động. Các DN tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi, hỗ trợ từ các chính sách thuế, tín dụng, đất đai. Sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam từng bước được nâng cao trên cả phương diện sản phẩm, DN, ngành hàng và cạnh tranh quốc gia. Dự báo năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt trên 30 tỷ USD.
Ở một khía cạnh khác, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, ưu điểm nổi bật trong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vào lúc này là sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy của cán bộ và nhân dân. Mọi người thấy đã đến lúc cần chuyển từ sản xuất theo chiều rộng và cạnh tranh bằng giá rẻ, tại các thị trường dễ tính sang đầu tư theo chiều sâu, dựa vào hiệu quả, giá trị gia tăng bằng cách đầu tư thêm về khoa học công nghệ, trong khi vẫn duy trì sự bền vững cả về xã hội lẫn môi trường.
Chú trọng các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao
Dù đạt được những kết quả như trên nhưng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức: năng lực cạnh tranh còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa đa dạng và lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống; tốc độ tăng trưởng chưa thật sự vững chắc và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, thiếu liên kết, năng suất, chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt; liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa DN với nông dân triển khai chậm, chưa thật sự hiệu quả và bền vững; trình độ khoa học công nghệ có khoảng cách khá xa so với khu vực và thế giới.
Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chúng ta phải dựa vào những lợi thế của đất nước, phát triển các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, như: lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều... Đồng thời, để phát huy một cách có hiệu quả các sản phẩm này, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2016, Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT cần tập trung triển khai các đề án, kế hoạch, chương trình hành động cơ cấu lại đã được phê duyệt. Bộ NN&PTNT cần rà soát, từng bước xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, miền, sản phẩm. Phát triển mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với DN theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng cần rà soát, bổ sung chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Rà soát, ban hành, bổ sung chính sách đủ mạnh để thúc đẩy triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, cải thiện thu nhập của người nông dân.
Các địa phương phải đề ra các chương trình, kế hoạch hành động, tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hoá chất không đúng quy định trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
THANH TÙNG