(BKTO) - Gần 1/3 thế kỷ hình thành và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn quan tâm tới công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đây là khâu then chốt, trụ cột quan trọng, quyết định sự thành bại trong quá trình phát triển. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên (KTV) “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng”, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo KTNN đã chú trọng đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ.

8-.jpg
Quang cảnh lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán ngân sách nhà nước cấp độ 3. Ảnh tư liệu

Coi trọng tất cả các khâu của công tác cán bộ

Khâu quan trọng trước hết là công tác tuyển dụng. Theo KTNN, công tác này luôn bám sát chỉ tiêu biên chế được giao và yêu cầu của vị trí việc làm, đảm bảo công khai, đúng quy định và theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn theo từng chức danh, góp phần hoàn thiện cơ cấu, đáp ứng yêu cầu công tác. Đặc biệt, chính sách thu hút nhân tài từ đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, thủ khoa các trường đại học đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đủ năng lực và trình độ để thực thi công vụ.

Cùng với công tác tuyển dụng, KTNN đã thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo từng giai đoạn, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; tạo nguồn để chủ động cho việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Ngành. Việc bố trí, sử dụng, lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm được thực hiện thận trọng, công khai, minh bạch, đúng quy định, tiêu chuẩn và có trách nhiệm cao.

Những ngày đầu thành lập, KTNN chỉ có khoảng 60 công chức, KTV. Đến nay, KTNN đã có hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, KTV; trong đó, số lượng KTV chiếm 87%. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên: Ngạch KTV cao cấp chiếm 1,5%; ngạch KTV chính chiếm 28,7%, ngạch KTV chiếm 59,6% và ngạch khác chiếm 13%. Chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng chiếm 58,8%, chuyên ngành xây dựng, giao thông, kiến trúc, thủy lợi chiếm 22,8% và chuyên ngành khác chiếm 18,4%.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, KTNN đã làm tốt công tác điều động, luân chuyển, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức KTNN. Qua đó, công chức, đặc biệt là công chức trẻ có dịp được rèn luyện, thử thách, trưởng thành nhanh hơn. Đây cũng là công tác quan trọng để điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức, đảm bảo sự đồng đều và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong toàn Ngành; tạo điều kiện tốt cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài của KTNN.

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nòng cốt là KTV “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng”, KTNN đã nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, KTV theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ với việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng lĩnh vực kiểm toán mới, chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tin học... nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với đánh giá trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức. Đáng lưu ý, năm 2023, lần đầu tiên, KTNN đã tổ chức thành công Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với KTV trên phạm vi toàn Ngành. Đây là bước khởi đầu tiến tới việc tổ chức định kỳ hằng năm nhằm đánh giá chất lượng nguồn nhân lực một cách thường xuyên, liên tục, bài bản, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN. Kết quả của Kỳ đánh giá đã góp phần vào thành tích chung của KTNN trong gần 30 năm thành lập và phát triển.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Nguồn nhân lực là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ KTNN cũng xác định: Lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 chương trình công tác trọng tâm nhiệm kỳ này. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Đảng ủy KTNN đã ban hành Nghị quyết số 89-NQ/ĐU ngày 19/02/2021 về “Lãnh đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025”.

Công tác cán bộ của KTNN cần đảm bảo thường xuyên, đa chiều. Đào tạo phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Theo đó, ngoài kiến thức pháp luật chung, KTNN cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đạo đức công vụ cho KTV.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Để thực hiện tốt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược và các nghị quyết trên, đồng thời phát huy những kết quả đạt được và từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế của công tác cán bộ, KTNN cần tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, KTV đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý; đảm bảo chất lượng và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù phù hợp sẽ là giải pháp quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài và chuyên gia giỏi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Đồng thời, KTNN cần xây dựng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ căn cứ vào Đề án Vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế, gắn việc đánh giá trình độ, năng lực với công việc, vị trí đảm nhiệm một cách khách quan và công tâm.

Thực tiễn đã chứng minh: Công tác điều động, luân chuyển giúp công chức, KTV được rèn luyện, thử thách ở những đơn vị, địa bàn mới và ngày càng trưởng thành hơn. Bởi vậy, đây cũng là giải pháp cần được KTNN tiếp tục chú trọng trong giai đoạn tới. Một yêu cầu nữa đặt ra là tiếp tục đổi mới, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong công tác đánh giá cán bộ. Cán bộ phải được đánh giá toàn diện ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Đảng và Nhà nước cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động KTNN để góp phần phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Để đáp ứng yêu cầu và xu thế trên, điều quan trọng là KTNN cần xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ, chú trọng trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, KTV. Trong đó, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ KTV giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, thích ứng với những xu thế mới, hiện đại; có đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngại khó, ngại khổ, không có tâm lý chọn chỗ, chọn việc, sợ đi vùng sâu, vùng xa, có ý thức tổ chức kỷ luật cao... Đây chính là yêu cầu quan trọng để góp phần xây dựng đội ngũ KTV vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Ngành, nhất là nhiệm vụ kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Nhân lực - trụ cột quan trọng