Nhiệt điện Thái Bình 2 - khẳng định niềm tin và tầm vóc của PVN

(BKTO) - Hơn 1 tỷ kWh điện là thành quả đầu tiên mà Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đóng góp cho Hệ thống điện Quốc gia sau nhiều tháng năm thăng trầm, vượt qua biết bao khó khăn, biến cố để cán đích khánh thành Nhà máy…

1(1).jpg
Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2. Ảnh: BCT

Sự hồi sinh kỳ diệu của Dự án

Sau hơn 10 năm bế tắc, khó khăn chồng chất khó khăn, đặc biệt là những khó khăn về tài chính, những vấn đề pháp lý tưởng như không thể tháo gỡ và sự biến động về nhân sự…, Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 đã hồi sinh kỳ diệu.

Kết quả đạt được ngày hôm nay là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và sự đồng lòng, quyết tâm của người lao động dầu khí.

Nhớ lại những ngày gian khó nhất của Dự án, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chia sẻ, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai Dự án bị chậm, kéo dài nhiều năm, có thời điểm bị “đóng băng” do vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.

Ngân sách của Dự án được lập nhiều năm trước, trong khi giá cả biến động qua từng năm, ngoài ra lại còn phải bảo dưỡng, thay thế các hạng mục dẫn đến rất khó kiểm soát, nguy cơ thiếu hụt vốn rất lớn.

Cùng với đó, năng lực của nhà thầu chính PETROCONs rất hạn chế, thua lỗ lớn; niềm tin của các đối tác, nhà thầu và người dân địa phương đối với Dự án rất thấp…

Dòng tiền giải ngân chậm khiến Dự án càng bị đình trệ, lực lượng lao động trên công trường sụt giảm mạnh, đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên môn cao.

Liên tiếp trong 2 năm 2017, 2018, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành thanh, kiểm tra Dự án, đưa ra nhiều kết luận khiến tâm lý cán bộ công nhân viên rất căng thẳng, bất an, có thời điểm hơn 40 cán bộ dày dạn kinh nghiệm đã đồng loạt xin nghỉ việc. Dự án thực sự rơi vào bế tắc hoàn toàn…

“Cánh cửa sáng” chỉ mở ra sau khi Thông báo kết luận số 397/TB-VPCP ngày 16/12/2020 đã bật đèn xanh để tái khởi động Dự án. Để rồi ngày 27/4 vừa qua, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chính thức được khánh thành.

Bày tỏ sự vui mừng trước kỳ tích này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, vượt qua những khó khăn, thách thức, PVN và các đơn vị đã vận dụng sáng tạo, nỗ lực không mệt mỏi, hồi sinh Nhà máy sau quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Đặc biệt, việc tái triển khai lại Dự án còn rơi đúng vào lúc đại dịch Covid-19 cao điểm nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới, qua đó càng cho thấy sự quyết tâm cao độ để đảm bảo hồi sinh Nhà máy đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Niềm vui nhân thêm niềm vui, đến nay, Nhà máy đã khánh thành, mang lại nhiều ý nghĩa to lớn.

Dự án hoàn thành là thành quả của biết bao ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của Tổng thầu và các nhà thầu, cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Thể hiện rõ bản lĩnh và sự tự tin của ngành Dầu khí

Với tổng diện tích quy hoạch 131,74 ha, Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, là Dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực đồng bằng Bắc bộ. Đây là Dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VII và Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, Nhà máy đi vào vận hành, hàng năm sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương.

Nhờ đó, Dự án sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Ban Quản lý Dự án, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; thân thiện, bảo vệ môi trường do áp dụng các công nghệ hiện đại để giảm phát thải, lọc bụi, khử oxit lưu huỳnh, xử lý nước thải.

Nhờ sự động viên kịp thời, người lao động trên công trường Dự án đã vững vàng khí thế và niềm tin, tiếp tục hăng say lao động, đoàn kết một lòng theo phương châm “một đội ngũ - một mục tiêu”.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 đã có một đội ngũ nhân lực vận hành có trình độ, có năng lực thực tiễn đáp ứng 5 kíp vận hành cho hiện tại cũng như thời gian tới.

Có thể thấy rằng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN đã vững vàng cán đích đúng như cam kết của Tập đoàn trước Đảng, Chính phủ và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Thành quả này tiếp tục khẳng định bản lĩnh, niềm tự hào, sự tự tin của người lao động dầu khí, không một khó khăn, thử thách nào có thể cản bước trước sự đoàn kết một lòng của những người lao động đi xây dựng những công trình “ích nước lợi dân”.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, đến nay, tổng công suất các nhà máy điện đã vận hành của PVN là hơn 6.600 MW, bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của cả nước.

Kết quả này khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của PVN với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam. Sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ của PVN giúp cho đất nước ngày càng được đảm bảo về mặt an ninh năng lượng, góp phần vào sự phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
Nhiệt điện Thái Bình 2 - khẳng định niềm tin và tầm vóc của PVN