Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế

(BKTO) - TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - đánh giá, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ổn định trong nhiều năm qua nhờ chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập sâu rộng và được cụ thể hóa nhờ 3 yếu tố: Vốn đầu tư, xuất nhập khẩu và tiêu dùng. Dự báo năm 2024, các yếu tố truyền thống này tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng, cùng với đó, 3 lĩnh vực của nền kinh tế là: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ cũng được dự báo sẽ phục hồi tích cực.

10.jpg
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: ST

Khu vực dịch vụ tạo động lực lớn nhất

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo đề xuất của Vietnam Report, TS. Cấn Văn Lực phân tích, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm cho người dân. Năm 2024, khu vực này dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định (khoảng 3,2-3,5%) và đóng góp khoảng 11,5-12% GDP.

Còn khu vực công nghiệp và xây dựng là động lực tăng trưởng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics… tạo điều kiện thu hút đầu tư và nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, các ngành sản xuất chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, động lực tăng trưởng từ khu vực này năm 2024 được dự báo sẽ duy trì đóng góp tích cực (khoảng 5,6-5,8%), chiếm khoảng 38-40% GDP.

Đối với khu vực dịch vụ - đây là động lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi năm 2023 chiếm 42,54% GDP cả nước, tăng so với mức 41,3% của năm 2022. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển dịch vụ, kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp văn hóa…, khu vực này sẽ ngày càng phát triển với chất lượng và hiệu quả cao hơn, dự kiến đóng góp khoảng 45% GDP và tăng trưởng khoảng 7-7,2% năm 2024.

Phân tích về 3 yếu tố: Vốn đầu tư, xuất nhập khẩu và tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các yếu tố này vẫn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng năm 2024. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vốn đã và đang đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế, sẽ càng được phát huy khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và nâng cấp hợp tác chiến lược với nhiều đối tác là các nền kinh tế phát triển, có thị trường tiêu thụ lớn và tiêu chuẩn cao. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 dự báo tăng khoảng 7% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 5-7%, nhập khẩu tăng 3-5%, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và đóng góp khoảng 20-25% vào mức tăng trưởng chung.

Khả năng năm 2024, khó khăn có thể dịu bớt nhưng cơ hội và thách thức vẫn đan xen. Để lấy lại đà phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải củng cố các thế mạnh truyền thống, đồng thời phát huy, khai thác những động lực mới.

Cơ hội và thách thức vẫn đan xen

Trong động lực đến từ đầu tư, vốn đầu tư công ở Việt Nam có tỷ trọng 25-25,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương 8,33% GDP - cao hơn so với quốc tế (bình quân tại các nước phát triển khoảng 5% GDP và các nước đang phát triển khoảng 7-8%) bởi nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh của Việt Nam còn rất lớn. Dự báo dòng vốn này tiếp tục duy trì ở mức 25-26% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương 9-10% GDP năm 2024.

Còn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam, giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu. Dự báo năm 2024, Việt Nam duy trì tốt nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách thu hút đầu tư được duy trì và cải thiện (đặc biệt là Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, Quyết định số 667/QĐ-CP ngày 02/6/2022 về hợp tác đầu tư nước ngoài, Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu)... sẽ giúp Việt Nam duy trì vị thế điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm cho người dân. Năm 2024, khu vực này dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định (khoảng 3,2-3,5%) và đóng góp khoảng 11,5-12% GDP.

TS. Cấn Văn Lực

Theo đó, thu hút vốn FDI có thể tăng 5-8% trong năm 2024. Đáng chú ý, đầu tư tư nhân đã chiếm 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023, tăng khá so với mức 53,8% của năm 2022, sẽ tiếp tục trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, bổ sung, bù đắp cho những nguồn đầu tư truyền thống là đầu tư công và đầu tư FDI. Dòng vốn này được dự báo sẽ phục hồi trở lại, tăng khoảng 6-8%, đóng góp 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024.

Về yếu tố tiêu dùng cuối cùng - động lực truyền thống, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam - dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, ước tăng 5,5-6%, đóng góp khoảng 42-45% vào tăng trưởng chung 6-6,5% của kinh tế Việt Nam.

Tuy kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, song do nền kinh tế có độ mở cao, những thách thức bên ngoài và những khó khăn nội tại đã tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội và các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Chính phủ; đặc biệt tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu như giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành “vốn mồi” cho các nguồn vốn khác; kích cầu tiêu dùng nội địa; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế...

Đề cập đến các động lực mới, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện và hiệu quả thực thi thể chế; thúc đẩy tăng trưởng xanh, chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; quan tâm cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, tăng tính tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Về phía các Bộ, ngành và các doanh nghiệp, cần chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

Cùng chuyên mục
  • “Cú nước rút” để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường năm 2025
    8 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa để có thể hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Mục tiêu đầy thách thức này đòi hỏi “cú nước rút” không chỉ của các cơ quan quản lý, mà còn là của tất cả các thành viên của thị trường.
  • Mở bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Cục Hàng hải Việt Nam vừa có Quyết định công bố mở bến cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, thuộc khu bến cảng Lạch Huyện của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng.
  • Hải quan Hải Phòng: Chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Cục Hải quan Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 2013/KH-HQHP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 tại Cục.
  • Trên 200.000 tỷ đồng tín dụng đầu tư “chảy” vào nền kinh tế
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
  • Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) tổng hợp các vướng mắc, bất cập của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), xác định rõ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) nhà nước thực hiện đầu tư phát triển, đóng góp ý kiến gửi Bộ Tài chính.
Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế