Cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm quá tải bệnh viện
Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB), đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ KCB tăng qua từng năm (năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng là 83%, năm 2020 là 84,6%).
Để đạt kết quả này, thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí dành cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân như: nâng cao chất lượng KCB; triển khai Đề án về giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình... Đặc biệt, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng các bệnh viện vệ tinh. Đến năm 2020, đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tình trạng bệnh nhân nằm ghép tại các bệnh viện tuyến trên đã giảm rõ rệt. Ảnh: TTXVN |
Ngành y tế cũng đã triển khai mạnh mẽ tư vấn KCB từ xa để giảm lưu lượng người đến cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên; thực hiện xã hội hóa dịch vụ y tế ở bệnh viện công và phát triển y tế tư nhân tham gia vào công tác KCB BHYT. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả góp phần giảm quá tải cơ bản cho các bệnh viện tuyến trên và phần nào đã đáp ứng được nhu cầu KCB của nhân dân. Minh chứng rõ nhất là công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương đã giảm rõ rệt. Chẳng hạn như Bệnh viện Bạch Mai công suất sử dụng giường bệnh năm 2011 là 168% đã giảm xuống còn 112% (năm 2018); Bệnh viện K là 249% (năm 2011) giảm còn 98% (năm 2018); Bệnh viện Chợ Rẫy là 154% (năm 2011) còn 95% (năm 2018).
Tăng cương đầu tư cho y tế cơ sở để giải quyết gốc rễ quá tải bệnh viện
Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, có thể nói, về cơ bản các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương đã giảm được tình trạng quá tải theo yêu cầu của Nghị quyết 68. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng chỉ rõ một số bất cập trong thực hiện mục tiêu giảm quá tải bệnh viện. Theo đó, do chất lượng chuyên môn của cơ sở y tế ở các tuyến chưa đồng đều, chưa chú trọng đẩy mạnh KCB tại tuyến cơ sở, đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp. Kinh phí hoạt động của trạm y tế không cao, tỷ lệ chi KCB BHYT tại tuyến xã năm 2020 chỉ đạt 2% tổng chi KCB BHYT, nếu tính cả tuyến huyện mới đạt tỷ trọng 34% với tỷ lệ sử dụng dịch vụ KCB chiếm 75%, trong khi tỷ lệ sử dụng dịch vụ KCB BHYT của tuyến tỉnh và trung ương chỉ 25% nhưng lại chiếm 66% chi phí.
Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã vẫn còn hạn chế, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế huyện chưa thực hiện hết các dịch vụ theo phân tuyến; thiếu nhân lực y tế; chưa có quy định về hạn chế nhận bệnh nhân thông thường ở y tế tuyến trên, việc thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và từ huyện xuống xã còn nhiều hạn chế. Đồng thời, một bộ phận người dân có tâm lý chưa tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở nên tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở một số bệnh viện tuyến trên.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của quá tải bệnh viện là công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đạt yêu cầu trong công tác sức khỏe nhân dân nhân dân cũng như đáp ứng được lòng tin của người dân. Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh đầu tư cho y tế cơ sở để thực hiện được đúng chức năng về tư vấn, quản lý, sức khỏe người dân cũng như khám và chữa các bệnh thông thường. Đồng thời, cần có giải pháp căn cơ để sắp xếp lại hệ thống tổ chức tuyến KCB nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, gần nhất với chất lượng tốt nhất phù hợp với điều kiện của nước ta.
Khẳng định việc đầu tư cho y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang gấp rút chuẩn bị đề án tăng cường năng lực cũng như tăng cường khả năng ứng phó đối với dịch bệnh của hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả tuyến huyện và tuyến xã. Trong đó, đối với xã có nhiều vấn đề cần phải thay đổi, nhất là phải đánh giá và cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức của trạm y tế xã thay vì theo cấp hành chính, để đảm bảo khi dịch bệnh xảy ra chúng ta không bị quá tải.
Cùng với đó, để tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội "Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế", trong đó có việc đầu tư cho các trạm y tế xã và đối với các địa phương cũng tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã. Bộ Y tế cũng đã, đang và sẽ đưa ra những giải pháp tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, tăng cường năng lực qua nhiều hình thức như luân phiên, luân chuyển, đưa bác sĩ từ trạm y tế xã lên các trung tâm y tế tuyến huyện để vừa KCB vừa học hỏi nâng cao năng lực; thiết lập hệ thống KCB từ xa nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế, tăng cường năng lực cho y tế của cơ sở, đặc biệt là đối với tuyến xã; tổ chức lại y tế tuyến xã hình thành theo nguyên lý y học gia đình. Đồng thời, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, đối với trạm y tế theo các gói dịch vụ y tế cơ bản, theo đặt hàng giao nhiệm vụ…/.