Nhiều giải pháp tạo thuận lợi khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với thương mại điện tử

(BKTO) - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mà còn mang đến những thách thức mới trong công tác quản lý thuế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng và tối ưu hóa các giải pháp quản lý thuế nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thương mại điện tử, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thuế.

z5886228487593_989b4e6f26d1eaee03d407d5ee43ada7.jpg
Việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử giúp lập lại công bằng trong kinh doanh, tránh để những cá nhân, doanh nghiệp chân chính, tuân thủ luật pháp phải chịu thiệt thòi. Ảnh chụp minh họa.

Thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh

Thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

Đẩy mạnh công tác thu thuế trên hoạt động thương mại điện tử

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch với 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ để triển khai, hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình triển khai công tác thu thuế trên hoạt động TMĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), thời gian qua, Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử…

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế,  phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, thành phố. Cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ hóa, giúp công tác quản lý và thu thuế hiệu quả hơn.

“Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, Tổng cục Thuế đã và đang không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo cấp độ 4.0, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh TMĐT nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế", bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Các giải pháp lớn của ngành thuế

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

thue-thuong-mai-dien(1).jpg
Giao diện Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế. Ảnh chụp màn hình.

Đặc biệt, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện. Đây cũng là kênh thông tin để cho người nộp thuế thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hiệu quả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, Tổng cục Thuế đã ban hành "Thư ngỏ" gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc.

Bên cạnh đó, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành thuế mà còn thống nhất trong các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động TMĐT. Đề xuất bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.

Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế thay.

Ngoài ra, các sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến nắm được đầy đủ các thông tin về người mua; thông tin về các giao dịch bán hàng thành công; thông tin về doanh thu, chi phí thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, do đó sàn TMĐT có thể thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn một cách dễ dàng.

 Giải pháp được cho là mang ý nghĩa quan trọng là đẩy mạnh hơn triển khai thực hiện hoá đơn điện tử, đây là việc làm vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động TMĐT lẫn trong hoạt động truyền thống,  bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động TMĐT tốt nhất.

Cùng chuyên mục
Nhiều giải pháp tạo thuận lợi khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với thương mại điện tử