Nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản

DIỆU THIỆN - HỒNG THOAN | 16/12/2022 13:57

(BKTO) - Trong khuôn khổ cuộc Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng 16/12, tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung tham luận, chia sẻ về một số kết quả kiểm toán nổi bật, những kinh nghiệm, phương pháp kiểm toán tài nguyên khoáng sản và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

photo3-2-.jpg
Đông đảo đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho biết, năm 2022, Quốc hội đã đưa nội dung giám sát việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản vào trong chương trình giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Để phát huy vai trò của KTNN trong việc ngăn ngừa các hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội, năm 2022, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2017-2021” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố.

Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và chỉ ra một số mục tiêu của Chiến lược khoáng sản đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu về tiến độ thực hiện. Một số văn bản quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến tài nguyên khoáng sản còn bất cập, hạn chế nhưng chưa được tham mưu kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung. Việc tham mưu ban hành văn bản còn chậm, ban hành chưa phù hợp với quy định. Địa phương chưa ban hành, ban hành chậm, ban hành chưa đầy đủ các quy định về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác…

Đồng thời, KTNN đã chỉ ra những bất cập, hạn chế của các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Khoáng sản, các dự án, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép không thuộc trường hợp được Nhà nước thu hồi đất…

Chia sẻ thêm về phát hiện kiểm toán, ông Trương Tuấn Ngọc - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI - cho biết, KTNN khu vực VI được giao nhiệm vụ kiểm toán tại 05 tỉnh phía Đông Bắc, tài nguyên khoáng sản tại các tỉnh ngoài than thì chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát…

Qua thực hiện các cuộc kiểm toán lồng ghép và chuyên đề kiểm toán về tài nguyên khoáng sản, KTNN khu vực VI đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập, sai sót ở nhiều khâu, từ quy hoạch, thẩm định, cấp phép khai thác khoáng sản, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất liên quan đến việc tổ chức thực hiện khai thác khoáng sản.

Đồng thời, qua thực tiễn kiểm toán, KTNN khu vực VI đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, các đoàn kiểm toán cần bám sát đề cương kiểm toán của Ngành, các ý kiến thẩm định của các vụ chức năng; thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất, tổng hợp các phát hiện mới, báo cáo lãnh đạo KTNN để chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn Ngành.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm toán cần chủ động trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong Ngành, kết hợp với tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các kiểm toán viên; phổ biến, cập nhật các văn bản quy định hướng dẫn về quản lý tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, nên bố trí kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm; thu thập và phân tích thông tin tại địa bàn có tài nguyên khoáng sản, nhất là những điểm nóng hay xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép.

Đặc biệt, các đoàn kiểm toán cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán. Đơn cử, năm 2017, KTNN khu vực VI đã thuê chuyên gia đo đạc bằng công nghệ viễn thám, có thể chụp ảnh lên mô hình và xác định ranh giới khai thác, sản lượng khoáng sản đã khai thác với độ chính xác cao, từ đó phát hiện nhiều sai sót điển hình.

Bên cạnh những phát hiện kiểm toán nổi bật, theo chia sẻ từ các đại biểu, các đoàn kiểm toán cũng gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm toán tài nguyên khoáng sản.

Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - cho biết, thời gian qua, KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện 01 cuộc kiểm toán chuyên đề và 04 cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính có lồng ghép đánh giá về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Mặc dù đã đạt được một số kết quả, phát hiện kiểm toán đáng chú ý, tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm toán, đơn vị nhận thấy còn một số hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

photo3-1-.jpg
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI phát biểu. Ảnh: D.THIỆN

Một là, lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản phức tạp, có tính chuyên môn sâu được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về nhiều lĩnh vực (quy hoạch, đầu tư, bảo vệ môi trường, đất đai...) nên các kiểm toán viên tham gia đoàn, tổ kiểm toán gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu về các vấn đề này để có thể phát hiện, nhận xét và đánh giá đúng.

Hai là, trong một số trường hợp, việc xác định khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác khoáng sản chính gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định tại Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Ba là, đối với cuộc kiểm toán chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam”, đối tượng của KTNN chuyên ngành VI là các đơn vị trực tiếp khai thác, nên thiếu một số thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên gây khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Từ những kết quả kiểm toán, các đoàn kiểm toán đã đưa ra nhiều kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, theo bà Bùi Thị Minh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, trước hết cần khắc phục các “lỗ hổng” chính sách trong hệ thống pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định pháp luật về việc bồi thường thiệt hại cho người dân do hoạt động đầu tư khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên gây ra, tránh tình trạng nhà đầu tư thì hưởng lợi, còn người dân nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên thì chịu thiệt thòi.

Thứ hai, cần hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với việc khai thác tài nguyên khoáng sản; giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản.

Đồng thời, để hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đi vào nền nếp, cần thận trọng trước khi cấp phép, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp. Các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác cần chú trọng phương thức khai thác thu hồi tối đa, sử dụng đúng mục đích, gắn với bảo vệ môi trường.

Nhà nước cần có kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản chặt chẽ, tổng thể, phù hợp với quy luật của tự nhiên; đồng thời, tăng cường quản lý việc xuất khẩu nhằm tránh tình trạng thất thoát tài nguyên, nhưng vẫn bảo vệ được môi trường tự nhiên.

Thứ ba, cần bảo đảm tính công khai, minh bạch thông tin trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Trong đó, cần công khai thu chi ngân sách có nguồn gốc từ khai thác tài nguyên khoáng sản, kiểm soát tốt hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và bền vững.

Tại Tọa đàm, các đại biểu của nhiều đơn vị cũng chia sẻ, trao đổi thêm những kết quả của đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cũng như những giải pháp, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm toán lĩnh vực này trong thời gian tới.

dai-bieu.jpg
Ông Cù Huy Đức - Phó Trưởng phòng Kiểm toán ngân sách 3, KTNN khu vực VII phát biểu. Ảnh: D.THIỆN

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, qua trao đổi, thảo luận, Tọa đàm đã làm rõ hơn từ lý luận đến thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua.

Theo đó, Tọa đàm đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn và tính tuân thủ pháp luật của các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản; chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế.

Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng đã làm rõ vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thông qua việc kiến nghị các đơn vị có liên quan chấn chỉnh những tồn tại trong các khâu từ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản đến cấp phép, kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của các đơn vị khai thác tài nguyên khoảng sản.

Đồng thời, Tọa đàm đã đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản./.

Cùng chuyên mục
Nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản