Xây dựng Hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Chiều 15/12, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Xây dựng quy định hướng dẫn việc kiểm tra, đối chiếu đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN”.

11-copy.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Hồng Nhung

TS. Vũ Văn Họa - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. 

Đề tài do ThS. Bùi Thanh Lâm - KTNN khu vực I và ThS. Trần Thị Thanh Bình - Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN - đồng Chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, kiểm tra, đối chiếu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là việc kiểm toán viên (KTV) thu thập bổ sung thông tin, tài liệu kiểm toán từ bên ngoài đối tượng kiểm toán để thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp giúp KTV đưa ra ý kiến kiểm toán.

Luật KTNN sửa đổi năm 2019 bổ sung Điều 11 về quyền hạn của KTNN: “Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”. Việc kiểm tra, đối chiếu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng được thể hiện trong các quy trình kiểm toán thuộc các lĩnh vực của KTNN.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc kiểm tra, đối chiếu của KTNN mới chỉ được cụ thể hóa bằng một văn bản mang tính hướng dẫn là Công văn số 275/KTNN-CĐ ngày 18/3/2016 hướng dẫn về việc kiểm tra, đối chiếu trong kiểm toán thu ngân sách địa phương tại cơ quan thuế và hải quan. Tiếp đó, ngày 18/02/2021, Tổng Kiểm toán nhà nước ký Quyết định số 155/QĐ-KTNN ban hành quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thực tiễn cho thấy, việc kiểm tra, đối chiếu đối với các cơ quan, cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan trong hoạt động kiểm toán không chỉ thực hiện trong kiểm toán thu ngân sách mà diễn ra trong hoạt động kiểm toán ở tất cả các lĩnh vực: Thu, chi ngân sách, doanh nghiệp, đầu tư dự án, kiểm toán hoạt động...

222.jpg
Đại diện Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Hồng Nhung

Việc kiểm tra, đối chiếu được thực hiện khi KTV đánh giá một nội dung, một vấn đề, số liệu, thông tin... chứa đựng nhiều rủi ro, cần thiết phải thông qua việc kiểm tra, đối chiếu để bổ sung thông tin, củng cố bằng chứng như: Xác minh một khoản công nợ, vay, giá trị hàng tồn kho, một điều khoản hợp đồng, một giao dịch... giữa đơn vị được kiểm toán với các bên có liên quan.

Việc kiểm tra, đối chiếu cũng được thực hiện khi KTV cần thu thập bằng chứng bên thứ ba để đánh giá về tính hiệu lực của bộ máy trong quản lý như công tác quản lý thu, chi ngân sách tại các cơ quan tài chính tổng hợp: Sở Tài chính, cơ quan thuế, hải quan...

Việc thiếu một hướng dẫn trong hoạt động kiểm tra, đối chiếu như một cẩm nang để KTV thực hiện có thể áp dụng, vận dụng trong quá trình kiểm tra, đối chiếu dẫn đến lúng túng trong triển khai cũng như chưa đảm bảo sự soát xét, kiểm tra và phối hợp của các bên trong thực hiện kiểm tra, đối chiếu.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nội dung, đơn vị để đối chiếu còn mang tính chủ quan của KTV, chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc lựa chọn tiêu thức đơn vị đối chiếu, dẫn đến những kết quả đối chiếu đưa ra nhiều khi chưa có độ chính xác cao; chưa thật sự nhận được sự phối hợp, đồng thuận của các đơn vị đối chiếu và đơn vị kiểm toán. KTNN đôi khi còn phải trả lời nhiều văn bản khiếu nại về kết quả đối chiếu do chưa đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Xuất phát từ thực tiễn trên, KTNN cần có một hướng dẫn cụ thể về hoạt động kiểm tra, đối chiếu đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, đối chiếu nói riêng và hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung.

Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Những vấn đề cơ bản về kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2: Thực trạng việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 3: Xây dựng hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu hoạt động kiểm toán của KTNN và giải pháp thực hiện.

333.jpg
Thành viên Hội đồng nghiệm thu góp ý cho Đề tài. Ảnh: Hồng Nhung

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao đối với hoạt động kiểm toán của KTNN.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài xem xét điều chỉnh đối tượng nghiên cứu tại các cuộc kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, không chỉ ngân sách địa phương mà cả ngân sách Bộ, ngành; làm rõ hơn việc kiểm tra, đối chiếu đối với mỗi loại hình kiểm toán mà KTNN đang triển khai (báo cáo tài chính, tuân thủ, hoạt động).

Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá thực trạng kiểm tra, đối chiếu của KTNN trên các khía cạnh nội dung, trình tự và phương pháp kiểm tra, đối chiếu để đảm bảo tính đầy đủ, khoa học; bổ sung làm rõ thực trạng việc lựa chọn tiêu chí kiểm tra, đối chiếu hiện nay còn mang tính chủ quan, không có công cụ hỗ trợ xác định, nhận diện rủi ro mang tính khoa học, hệ thống... từ đó có giải pháp nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí rủi ro cụ thể, nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc xác định giới hạn, mẫu chọn của KTV trong quá trình thực hiện kiểm tra, đối chiếu.

Ngoài ra, các giải pháp và điều kiện thực hiện  ở Chương 3 cần bám sát những hạn chế ở Chương 2 nhằm đảm bảo đầy đủ, cụ thể và phù hợp với các hạn chế đã được đề cập.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Vũ Văn Họa đề nghị Ban Đề tài tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài.

Đồng thời, Ban Đề tài lưu ý làm rõ khái niệm kiểm tra, đối chiếu, các tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu; đề xuất giải pháp tổng quát: Xác định, đánh giá rủi ro để xác định tiêu chí lựa chọn đơn vị được kiểm tra, đối chiếu; đề xuất cách thức  thẩm định, kiểm tra, kiểm soát cho phù hợp.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng Hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán