Nhiều phát hiện, kiến nghị liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Một số vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, quản lý thị trường vàng… đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII chỉ ra qua kiểm toán.

tong-ket.jpg
KTNN chuyên ngành VII tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Ảnh: Huy Thành

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và chương trình công tác năm 2023 của KTNN chuyên ngành VII, năm 2022, KTNN chuyên ngành VII đã kiểm toán báo cáo tài chính tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội.

KTNN chuyên ngành VII đã kiểm toán hoạt động việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm toán Chuyên đề hệ thống/dự án công nghệ thông tin liên quan đến việc lập báo cáo tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Chuyên đề Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.

agribank-1-.jpg
Cuộc kiểm toán tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đủ điều kiện đăng ký cuộc kiểm toán chất lượng Vàng. Ảnh minh họa

Kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, KTNN chuyên ngành VII luôn tập trung vào đánh giá, phân tích các nội dung trọng yếu. Các đoàn kiểm toán về cơ bản đều đạt chất lượng tốt, trong đó, cuộc kiểm toán tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đủ điều kiện đăng ký cuộc kiểm toán chất lượng Vàng.

Năm 2022, kiểm toán tại các ngân hàng thương mại, KTNN chuyên ngành VII đã triển khai truy cập dữ liệu gốc trên hệ thống của đơn vị và xử lý các phân tích toàn hệ thống làm tiền đề cho các phát hiện quan trọng, qua đó đạt được một số kết quả tiêu biểu liên quan đến công nghệ thông tin và số liệu tài chính.

Qua kiểm toán, KTNN có nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật, đặc biệt là một số kiến nghị liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô, tín dụng...

Cụ thể, KTNN chuyên ngành VII đã kiến nghị sửa đổi chính sách quản lý thị trường vàng tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1623/2012/QĐ-NHNN nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng giữa các thương hiệu vàng.

KTNN chuyên ngành VII kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Điều từ 16-25 của Thông tư số 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành ngân hàng theo hướng giảm thiểu việc kéo dài thời gian và ban hành kết luận thanh tra; hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp được phép tạm ngưng thanh tra nhằm đảm bảo tính liên tục, hiệu lực của các kế hoạch và hoạt động thường xuyên của đơn vị thanh tra.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, KTNN chuyên ngành VII đã kiểm toán lồng ghép nội dung này tại cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Qua đó, Đoàn kiểm toán đánh giá việc thực hiện gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% bằng nguồn ngân sách nhà nước gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, việc điều hành nhằm thực hiện giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tiềm ẩn thách thức, khó thực hiện trong năm 2022 trước áp lực lớn từ lạm phát của các nước trên thế giới, Ngân hàng Trung ương các nước liên tục tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND tăng cao, nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế sau dịch Covid-19 và đến cuối năm còn có xu hướng tăng cao.

Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với tiêu chí “có khả năng phục hồi” và trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành.

Khách hàng có tâm lý e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với cơ quan có thẩm quyền. Nhiều hộ gia đình không đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ. Ngân hàng thương mại có tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán.

chi-dung.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung yêu cầu KTNN chuyên ngành VII phải có báo cáo đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn đối với những nội dung kiểm toán liên quan đến chủ đề mà Quốc hội yêu cầu KTNN. Ảnh: Huy Thành

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 diễn ra vào chiều 07/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước được dự báo sẽ có nhiều thách thức, khó khăn. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và KTNN chuyên ngành VII nói riêng.

Năm 2023 cũng là năm thứ ba toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh đó, yêu cầu của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng ngày càng cao.

Đối với hoạt động chuyên môn của KTNN, năm 2023 sẽ là năm giảm số lượng cuộc kiểm toán để tăng cường chất lượng, đi sâu vào đánh giá, phân tích để đưa ra kiến nghị chất lượng. Ban cán sự đảng KTNN đã có định hướng kiểm toán cho các đơn vị trong toàn Ngành, trong đó có KTNN chuyên ngành VII.

Theo đó, năm 2023, KTNN chuyên ngành VII được giao nhiệm vụ thực hiện 6 cuộc kiểm toán, trong đó có một số nội dung kiểm toán lồng ghép.

Đối với một số nội dung kiểm toán liên quan đến chủ đề, chuyên đề mà Quốc hội yêu cầu KTNN (cụ thể là Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; công tác mua sắm sử dụng phần mềm công nghệ thông tin, Chuyên đề về Quỹ Bảo hiểm xã hội), KTNN chuyên ngành VII phải có báo cáo đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn.

Với vai trò, nhiệm vụ được giao và từ thực tiễn kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII cần tham mưu cho lãnh đạo KTNN các ý kiến về lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng và bảo hiểm khi Quốc hội yêu cầu./.

Cùng chuyên mục
Nhiều phát hiện, kiến nghị liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng