Xác định chính xác, đầy đủ các nội dung kiểm toán
Theo đại diện KTNN khu vực XIII, việc kiểm toán BCQT NSĐP phải tiếp cận trong các khâu: Lập, giao dự toán chi thường xuyên và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, việc điều chỉnh dự toán, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định có liên quan đến thu NSNN và các quy định có liên quan đến tổ chức thực hiện dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định về khóa sổ, lập BCQT NSĐP; việc xử lý số dư dự toán, chi chuyển nguồn; công tác xét duyệt báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán cấp tỉnh; công tác thẩm định BCQT ngân sách cấp huyện; công tác đối chiếu số liệu quyết toán giữa các cơ quan: Thuế, Tài chính, Hải quan, Kho bạc Nhà nước. Các mục tiêu và nội dung kiểm toán nêu trên là cơ sở để xác định mục tiêu và nội dung kiểm toán cụ thể tại Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, đối với việc kiểm toán chi NSĐP và công tác tổng hợp, lập BCQT chi NSĐP tại Sở Tài chính, để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán làm cơ sở hình thành ý kiến xác nhận BCQT chi NSĐP, trước hết, đoàn kiểm toán phải xác định chính xác, đầy đủ các nội dung kiểm toán có liên quan đến BCQT chi NSĐP tại Sở Tài chính, trong đó lưu ý các nội dung kiểm toán trọng tâm, các nội dung kiểm toán có khả năng xảy ra sai sót trọng yếu. Theo kinh nghiệm của KTNN khu vực XIII, có một số nội dung kiểm toán quan trọng cần chú ý khi kiểm toán chi NSĐP tại Sở Tài chính.
Một là, kiểm toán công tác lập, giao dự toán và điều chỉnh dự toán, trong đó bao gồm cả nội dung kiểm toán việc tuân thủ định mức chi thường xuyên, định mức chi đầu tư xây dựng cơ bản trong thời kỳ ổn định ngân sách do Thủ tướng Chính phủ ban hành và định mức chi do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành của: Dự toán chi NSĐP; dự toán chi ngân sách các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc; dự toán chi thường xuyên của các đơn vị dự toán cấp tỉnh.
Hai là, kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành trong phân bổ nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn tăng thu ngân sách năm trước, trong phân bổ kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia... Kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành trong việc xác định, cấp bổ sung nguồn cải cách tiền lương trong năm.
Ba là, kiểm toán công tác xử lý quyết toán cuối năm của Sở Tài chính. Theo kinh nghiệm của KTNN khu vực XIII, để việc thực hiện kiểm toán được thuận lợi, ngoài việc đề nghị đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần thiết kế các biểu mẫu liên quan đến từng nội dung kiểm toán cụ thể và đề nghị đơn vị tổng hợp, báo cáo; xác định rõ những nội dung đề nghị Sở Tài chính phải báo cáo bằng văn bản để làm cơ sở, căn cứ cho việc thực hiện kiểm toán.
Theo Điều 71 Luật NSNN năm 2015: “KTNN thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, phê chuẩn”; tại khoản 10 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 cũng nêu rõ: Đảm bảo kết quả kiểm toán của KTNN được sử dụng làm căn cứ phê chuẩn quyết toán NSNN và phê chuẩn quyết toán NSĐP cấp tỉnh, thành phố hằng năm.
Làm rõ những nội dung liên quan đến quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản
Đối với kiểm toán chi đầu tư xây dựng cơ bản tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài các nội dung kiểm toán đã được hướng dẫn, đoàn kiểm toán cần tập trung kiểm toán, làm rõ một số nội dung kiểm toán liên quan đến số liệu quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSĐP.
Cụ thể là, thứ nhất, kiểm toán việc phân bổ, sử dụng các nguồn thu chỉ dành riêng cho đầu tư xây dựng cơ bản, như: Nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu sử dụng đất… Trên thực tế, có địa phương đã dùng nguồn thu xổ số kiến thiết hoặc nguồn thu sử dụng đất để giao dự toán chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư không đúng quy định. Cũng có nhiều địa phương lại dùng kinh phí sự nghiệp để thực hiện các dự án có cấu phần xây dựng mới, dự án nâng cấp, mở rộng các dự án đầu tư xây dựng, trong khi đó, theo quy định tại Luật Đầu tư công thì các hoạt động trên phải sử dụng vốn đầu tư công. Việc sử dụng sai nguồn cũng liên quan chặt chẽ đến số liệu quyết toán chi NSĐP.
Thứ hai, kiểm toán việc điều chỉnh kế hoạch vốn, khi các nguồn thu liên quan không thực hiện được. Ví dụ, có địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công, trong đó có 3.000 tỷ đồng từ nguồn thu đấu giá đất, nhưng thực tế không tổ chức đấu giá được hoặc đấu giá không thành công, trong khi các dự án đầu tư bằng nguồn vốn này đã đấu thầu xong và triển khai thi công, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thứ ba, kiểm toán việc ghi thu - ghi chi nguồn vốn viện trợ được giải ngân thông qua các ngân hàng thương mại do các tổ chức tài trợ vốn chỉ định. Các dự án này hiện nay thường đợi đến khi hoàn thành, quyết toán dự án mới ghi thu - ghi chi NSNN, mà không ghi thu - ghi chi hằng năm theo số liệu giải ngân thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành trong năm theo quy định.
Đối với việc kiểm toán chi NSĐP và công tác tổng hợp, lập BCQT chi NSĐP tại Kho bạc Nhà nước hiện nay chủ yếu tập trung vào kiểm toán, đánh giá công tác kiểm soát chi thường xuyên, kiểm soát chi đầu tư của Kho bạc Nhà nước; công tác hạch toán kế toán các khoản thu, chi của NSĐP và công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm.
Theo kinh nghiệm của KTNN khu vực XIII, ngoài kiểm toán công tác kiểm soát chi, một trong những nội dung kiểm toán quan trọng, cần tập trung kiểm toán tại Kho bạc Nhà nước là công tác hạch toán kế toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến thu, chi NSĐP bằng cách chọn mẫu kiểm toán chi tiết, đánh giá việc tuân thủ chế độ kế toán NSNN. Đây là cơ sở để xác nhận các số liệu tổng hợp của BCQT NSĐP, vì nếu hạch toán kế toán các nghiệp vụ cụ thể mà sai, thì các mẫu biểu BCQT in ra từ hệ thống cũng không chính xác, không tin cậy. Đối với công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm, các kiểm toán viên cần chú ý kiểm toán kỹ các khoản chi trong thời gian chỉnh lý quyết toán (từ ngày 01/01 đến ngày 31/01 năm sau)./.