Những vấn đề làm “nóng” mùa Đại hội cổ đông ngân hàng

(BKTO) - Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã hoàn thành Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023. Tại mùa đại hội này, hàng loạt vấn đề được các cổ đông quan tâm và chất vấn lãnh đạo các ngân hàng như: Tín dụng bất động sản (BĐS), đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)… Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng chịu nhiều áp lực, phần lớn các nhà băng khá thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023.

anh-ngan-hang.jpg
Năm 2023, phần lớn các nhà băng đều khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận. Ảnh sưu tầm

Ngân hàng kiểm soát tốt trái phiếu, tín dụng bất động sản?

Tại ĐHCĐ Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương (Techcombank) diễn ra vào ngày 22/4, trước những băn khoăn, lo ngại của cổ đông về đầu tư TPDN, tín dụng BĐS, đại diện lãnh đạo Techcombank cho biết: Mô hình Techcombank theo đuổi là tăng về tiền gửi không kỳ hạn, lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Kể cả giai đoạn khó khăn, Ngân hàng vẫn quản trị được rủi ro, lợi nhuận ổn định.

Về tín dụng BĐS, đại diện lãnh đạo Techcombank thừa nhận, Ngân hàng có lượng cho vay cao nhưng phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Còn với dự án, Techcombank thường chọn những khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ, khách hàng mà Ngân hàng hiểu rõ nhất. Techcombank đang kiểm soát tốt chất lượng nợ cũng như tỷ lệ nợ xấu. Với TPDN, Techcombank luôn quản lý như một khoản vay, từ góc độ sức khoẻ khách hàng, khả năng trả nợ của khách hàng, tài sản bảo đảm. Techcombank chiếm tỷ trọng tư vấn phát hành trái phiếu rất lớn nhưng chưa trái phiếu nào mà Ngân hàng tư vấn bị quá hạn mà không thanh toán.

Trước đó, tại ĐHCĐ của nhiều ngân hàng khác, trả lời chất vấn từ cổ đông, hàng loạt lãnh đạo các nhà băng như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)… đều cho biết, tỷ trọng cho vay BĐS vẫn ở ngưỡng an toàn. Trong khi đó, đầu tư TPDN đều có tài sản bảo đảm, thanh khoản tốt.

Những thông tin trên cho thấy, các ngân hàng dường như đang kiểm soát rất tốt dòng tín dụng BĐS và TPDN. Tuy vậy, những quan ngại của các cổ đông là có cơ sở bởi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng đối với BĐS có mức tăng trưởng khá cao trong những năm qua. Đơn cử, năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17% nhưng tín dụng BĐS tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao - trên 21% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.

Thêm cơ sở khiến cổ đông lo lắng khi ở thời điểm hiện tại, rủi ro lớn nhất với nhóm ngân hàng là tỷ trọng cho vay BĐS, TPDN và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Trong khi đó, thị trường BĐS chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục; sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp có thể bị yếu đi trong môi trường lãi suất cao. Điều này khiến các ngân hàng đứng trước nguy cơ nợ xấu tăng nhanh - Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định.

Thận trọng với mục tiêu kinh doanh

Một nội dung quan trọng tại ĐHCĐ của các ngân hàng là việc thông qua kế hoạch kinh doanh. Mặc dù hoạt động ngân hàng năm 2023 được nhận định là sẽ có nhiều khó khăn nhưng một số nhà băng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Điển hình là VPBank với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, đây là những kế hoạch khá tham vọng trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, tỷ trọng tín dụng cao với nhóm BĐS và TPDN của ngân hàng.

Bên cạnh số ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, phần lớn các nhà băng đều khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10-12%. ACB, VPBank và SHB… đều hạ mục tiêu tăng trưởng xuống khoảng 10-17%. Đặc biệt, sau nhiều năm dẫn đầu quy mô lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank đã đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 ở mức 22.000 tỷ đồng, giảm tới 14% để củng cố sức khỏe tài chính và chất lượng tài sản.

Việc phần lớn các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khá thận trọng là phù hợp với những nhận định, dự báo của các chuyên gia cũng như các tổ chức. Hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều nhận định, năm 2023 sẽ là năm nhiều khó khăn, áp lực, lợi nhuận của ngành ngân hàng vì thế cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể hơn về những khó khăn, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín Nguyễn Hữu Trung nhận định: Năm nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề do đơn hàng giảm rõ rệt. Các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm, những nút thắt trên thị trường vốn chưa được tháo gỡ, nợ xấu có nguy cơ tăng, chất lượng tài sản giảm sút sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng.

VCBS cũng dự báo: Bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn. Cùng với đó, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, nợ xấu, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên… sẽ khiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay.

Bên cạnh đó, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, khi nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm giảm do kinh tế suy yếu và các cơ quan quản lý đẩy mạnh thanh tra hoạt động bảo hiểm, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) không còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhà băng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Có thể thấy, năm 2023, tương lai của các nhà băng dường như khó đoán định hơn khi lạm phát, suy thoái kinh tế hay lãi suất đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đó là lý do để các ngân hàng thận trọng hơn với kế hoạch kinh doanh năm 2023./.

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều ngân hàng đã bất ngờ công bố chia cổ tức bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn/sáp nhập, trong đó, đáng lưu ý là việc sáp nhập và nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém.

Cùng chuyên mục
Những vấn đề làm “nóng” mùa Đại hội cổ đông ngân hàng