Những yếu tố tác động đến hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Việc nhận diện các yếu tố này sẽ giúp KTNN xây dựng được cơ chế phù hợp nhằm phát huy những yếu tố tích cực, giảm thiểu những tác động trái chiều, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.



                
   

PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA - nhấn mạnh các yếu tố tác động đến hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của KTNN.
   Ảnh: Nguyễn Lộc - Nguyễn Ly

   

Chia sẻ tại Hội thảo “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của KTNN” sáng 24/8, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) - đã khẳng định vai trò quan trọng của KTNN trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của KTNN là cần thiết và cấp bách.

Theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh, hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của KTNN chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là chính trị và quyết tâm chính trị. Có thể nói, đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu đến kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Nếu các cấp ủy Đảng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đều có quyết tâm chính trị, sẵn sàng đối mặt và đấu tranh với tệ tham nhũng thì các giai đoạn, các hoạt động tiếp theo sẽ được diễn ra một cách thuận lợi, trôi chảy. Ngược lại, nếu vẫn còn sự ngần ngại, do dự và né tránh từ chính các chủ thể đối với công tác phòng, chống tham nhũng thì cuộc đấu tranh này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai trên thực tế.

Có thể nhìn nhận yếu tố chính trị trên các nội dung: Nhận thức và quyết tâm chính trị chính trị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trong đó có KTNN với tư cách là một cơ quan quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí tiền, tài sản nhà nước; hành động thực tế của KTNN và mỗi kiểm toán viên.
                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Lộc

   

Yếu tố thứ hai là pháp lý. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hoạtđộng sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhưng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Nếu không có hệ thống các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì không thể có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động phòng ngừa và xử lý tham nhũng.

Sự ảnh hưởng của yếu tố pháp lý đến hoạt động thực hiện phòng, chống tham nhũng thể hiện ở mấy khía cạnh sau: Hệ thống luật pháp về KTNN được ban hành mang tính toàn diện, phù hợp, thực tiễn và khả thi sẽ là điều kiện tiên quyết để phòng, chống tham nhũng có hiệu lực và hiệu quả cao. Các quy định về phòng ngừa tham nhũng được quy định một cách chặt chẽ, có sự phối hợp đồngbộ trên các lĩnh vực khác nhau, tạo điều kiện cho KTNN, các kiểm toán viên tuân thủ pháp luật, giảm khả năng vi phạm pháp luật về phòng ngừa tham nhũng.

Yếu tố thứ ba là kinh tế. Sự tác động của yếu tố kinh tế đối với hoạt động kiểm toán trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thể hiện trên các góc độ sau đây: Các chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế phải tiên lượng được mọi tình huống, các quy định về quy trình, cách thức kiểm toán của một cuộc kiểm toán cần triệt tiêu mọi điều kiện có thể trao cơ hội trục lợi cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Ngoài ra, Nhà nước quan tâm đến lợi ích (cả vật chất lẫn tinh thần) của những người tham gia phòng, chống tham nhũng thì sẽ khuyến khích, động viên họ sẵn sàng cùng với các cơ quan chức năng chỉ ra những bằng chứng, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng.

Thứ tư là yếu tố văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Văn hóa pháp luật và hoạt động phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán có tác động tương hỗ. Hoạt động phòng, chống tham nhũng đòi hỏi KTNN và các kiểm toán viên phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật không chỉ trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán mà cả trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng tác động đến phòng, chống tham nhũng trong hoạt động KTNN. Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quy định về Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên đã được KTNN ban hành là cơ sở để kiểm toán viên rèn luyện ý thức cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ gắn với đạo đức nghề nghiệp.

Thứ năm là yếu tố hội nhập quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế đã trở thành một yếu tố tác động ngày càng lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng Việt Nam. Hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề phức tạp, khó khăn và thách thức cho thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Đồng thời cũng giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là hoàn thiện hơn pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Cuối cùng là yếu tố thông tin, truyền thông và dư luận xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng được sử dụng như một kênh thông tin quan trọng, chuyển tải các thông tin, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động và kết quả hoạt động của KTNN, về các vụ việc gian lận, tham nhũng đã xảy ra, kết quả xử lý. Những thông tin đó phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần ngăn ngừa công chức thực hiện hành vi tham nhũng trong hoạt động công vụ nói chung, hoạt động kiểm toán nói riêng.

Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng là diễn đàn ngôn luận công khai, là nơi các tầng lớp nhân dân có thể đề xuất các sáng kiến, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lên tiếng tố cáo các hành vi tham nhũng...; từ đó, giúp các cơ quan chức năng khám phá, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những cán bộ, công chức phạm tội tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng./.

NGUYỄN LY – NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Những yếu tố tác động đến hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước