Ninh Bình tiến sát mục tiêu vốn đầu tư đăng ký mới tăng 10% so với năm 2022

(BKTO) - Thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình tăng trên cả 2 yếu tố về số lượng dự án và số vốn đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 vốn đầu tư đăng ký mới tăng 10% so với năm 2022.

fdi-inflows-grow-8-cff21.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: TS

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tháng 10 năm 2023, Ninh Bình đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 1 dự án, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 114 tỷ đồng.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 33 dự án, tăng 16 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký là 4.889 tỷ đồng, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 67 dự án, tăng 4 lượt dự án so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký là 6.618 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lũy kế 10 tháng, toàn tỉnh đăng ký thành lập mới 1.039 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 46 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đạt 10.328 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ. 

thu-hut-dau-tu-dang-tung-buoc-khoi-sac-0b819.jpg
Thu hút đầu tư của Ninh Bình đang từng bước khởi sắc. Ảnh: TS

Năm 2023, Ninh Bình đặt mục tiêu phấn đấu vốn đầu tư đăng ký mới tăng 10% so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thu hút một số dự án, lĩnh vực, khu vực quan trọng, có tính chiến lược như phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dịch vụ du lịch cao cấp; phát triển đô thị...

Kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, sử dụng đất kém hiệu quả; quan tâm giải quyết, khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường. Tăng cường thực hiện công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. 

Đồng thời, tiếp tục triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Ninh Bình tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường, đất đai, công nghệ, tín dụng; nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án. 

Đối với định hướng theo đối tác đầu tư, tỉnh tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…);  mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng và là thành viên của hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP như: Hoa Kỳ, Canada, EU, Singapore, Australia, New Zealand; chủ động tìm hiểu xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để tiếp cận, kết nối đầu tư vào những ngành nghề tỉnh có lợi thế. /.

Cùng chuyên mục
Ninh Bình tiến sát mục tiêu vốn đầu tư đăng ký mới tăng 10% so với năm 2022