Chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam: Góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

(BKTO) - Chỉ sau hơn 3 tháng thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động nhân lực cao đến Việt Nam.




Theo thống kê, có khoảng 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam - Ảnh tư liệu

Hơn 51.000 người lao động nước ngoài tham gia BHXH

Theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP (Nghị định 143), từ ngày 01/12/2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần. Cụ thể, từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/12/2021, hằng tháng người sử dụng lao động đóng toàn bộ bằng 3,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào Quỹ Ốm đau, thai sản và Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Từ ngày 01/01/2022 trở đi, đóng bằng 25,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào các Quỹ Ốm đau, thai sản, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN, Quỹ Hưu trí và tử tuất; trong đó, người sử dụng lao động đóng bằng 17,5%, người lao động đóng bằng 8%.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 28/02/2019, sau 3 tháng kể từ khi Nghị định 143 có hiệu lực, tổng số đơn vị tham gia BHXH cho người nước ngoài trên toàn quốc là 8.730 đơn vị, với số lao động là 51.524 người. Tổng số tiền đóng BHXH của lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 100,792 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính, hiện nay, cả nước có khoảng 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó, đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động). Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định 143, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc, đó là một kết quả khá khả quan đối với việc triển khai một chính sách mới - ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) - nhận định.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Theo ông Đinh Duy Hùng, chính sách BHXH đối với lao động di cư đã và đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần tạo sự bình đẳng giữa lao động trong nước với lao động nước ngoài, tạo tâm lý yên tâm làm việc cho người lao động. Đây là một yếu tố tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc thực hiện chính sách này sẽ làm gia tăng chi phí của DN, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - khẳng định: Việc thực hiện chính sách này không hề làm phát sinh chi phí của DN, mà còn đảm bảo sự bình đẳng giữa sử dụng lao động trong nước với sử dụng lao động nước ngoài. Bởi theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với các đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, trách nhiệm của DN là phải chi trả trong cùng kỳ lương mức chi phí tương tự như khoản có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Trước đây, với người lao động không bắt buộc đóng BHXH, DN chi trả vào tiền lương để người lao động tự lo bảo hiểm. Khi triển khai chính sách này, thay vì chuyển trả vào lương cho người lao động thì DN sẽ chuyển trả vào Quỹ BHXH và Quỹ sẽ đảm bảo các quyền lợi cho người lao động trong các quan hệ lao động khi người lao động gặp các rủi ro ốm đau, tai nạn....

Còn theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, lộ trình đóng BHXH cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được kéo giãn đến năm 2022 mới thực hiện hai chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất, chính là giúp các DN tham gia BHXH có điều kiện và thời gian thực hiện chính sách tốt hơn.

BHXH Việt Nam đánh giá, vì là chính sách mới triển khai nên việc thu nộp BHXH cho lao động nước ngoài cũng còn một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, về xác định đối tượng, do Nghị định 143 không có thông tư hướng dẫn nên thời gian qua, BHXH Việt Nam đã ghi nhận một số vướng mắc của DN có sử dụng lao động người nước ngoài và đang chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nắm bắt số lượng người lao động nước ngoài thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và hướng dẫn các DN thực hiện. Bên cạnh đó, công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài dẫn đến khó khăn trong giao dịch BHXH.

Ngoài ra, do lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc có thể đã tham gia BHXH tại nước sở tại và ngược lại, dẫn đến khả năng đóng trùng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH; đồng thời các cơ quan liên quan đang thực hiện đàm phán với các đối tác để vừa tránh tình trạng đóng trùng BHXH, vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Hành động mạnh mẽ để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3/2019), sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao và Phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.
  • Giải đáp vướng mắc trong thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP.
  • Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do KTNN tổ chức sáng 19/3, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện những hạn chế, bất cập trong cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập cũng như vai trò của KTNN trong kiểm toán, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện chính sách tự chủ đối với các trường đại học công lập.
  • Tập trung hơn cho các tiêu chí cốt lõi  trong xây dựng nông thôn mới
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện. Để Chương trình đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi.
  • Hút nguồn lực đầu tư cho vùng  dân tộc thiểu số
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để công tác này tiếp tục chuyển biến, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn giảm nghèo.
Chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam: Góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi