Nợ công tăng nhanh - cần đề phòng rủi ro và tăng cường quản lý

(BKTO) - Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện Luật, tại Hội nghị “Quản lý nợ công ở Việt Nam - Thực trạng và các khuyến nghị chính sách”, Tổ chức Oxfam và các chuyên gia cho rằng đang tồn tại hàng loạt rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công của nước ta, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả trong quá trình quản lý lĩnh vực này.



Nợ công đang tiềm ẩnnhiều rủi ro

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam ở mức 63,7% GDP, vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020, đó là quy mô nợ công hằng năm không quá 65% GDP. Tuy nhiên, nợ công đang liên tục tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Từ năm 2001 tới nay, mức tăng trung bình là 18,4%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến cuối năm 2015, riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng 6,5 lần so với cuối năm 2001.

Tại Hội nghị nêu trên, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính - cho rằng, do cân đối NSNN gặp khó khăn nên hằng năm dự toán chỉ bố trí đủ chi trả cho các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ. Đối với nợ trong nước, việc chi trả mới đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu, vì vậy Chính phủ phải phát hành trái phiếu để trả nợ đến hạn. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý, sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả đầu tư công chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Cường lo ngại, Việt Nam còn có hiện tượng vay vốn về nhưng phân bổ chậm, dẫn đến việc Kho bạc Nhà nước phải mang tiền đi gửi ngân hàng không kỳ hạn với lãi suất chưa đến 1%/năm, trong khi vẫn trả lãi suất 6-7%/năm cho việc huy động trái phiếu chính phủ. Đây thực sự là một nghịch lý và cũng là một nguyên nhân khiến cho nợ công tăng liên tục. Ngoài ra, ông Cường còn chỉ rõ hàng loạt rủi ro tiềm ẩn trong nợ công của nước ta như: rủi ro từ việc không trả được các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh cho các DN; rủi ro từ hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại; rủi ro từ nợ xấu, từ nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các DN sẽ chuyển thành nợ công…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nhu cầu chi ngân sách của nước ta rất cao nhưng kỷ luật ngân sách còn lỏng lẻo, tình trạng chi lãng phí, kém hiệu quả rất phổ biến. Chi thường xuyên lên đến 70-71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ cũng lên đến 24,5%, còn chi đầu tư hầu như phải dựa vào vốn vay. Số vay mới chỉ đủ để trả lãi và một phần nợ gốc nên nợ công tiếp tục tăng nhanh và chưa thấy điểm dừng. DNNN đầu tư thua lỗ cũng là một gánh nặng đối với NSNN.

Theo ông Doanh, nợ công tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân. Bởi vì để có tiền trả nợ, Nhà nước phải tăng thuế để tăng nguồn thu, đồng thời cắt giảm các khoản đầu tư cho phúc lợi xã hội. Chẳng hạn, việc giảm trợ cấp cho giáo dục, y tế sẽ khiến người dân phải chi trả cho những khoản này cao hơn. Việc giảm đầu tư công cũng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng, từ đó dẫn tới kinh tế vĩ mô bất ổn, DN khó khăn, thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội gia tăng… Ngoài ra, dù quy định hiện đang không tính nợ của DNNN là nợ công, nhưng khi các DN này mất khả năng trả nợ, Nhà nước vẫn phải đứng ra “gánh” thay như đã “gánh” cho Vinashin hay phát hành trái phiếu để duy trì hoạt động của các ngân hàng được mua với giá 0 đồng.

Để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra, việc chỉnh đốn chi ngân sách là hết sức cần thiết và cấp bách - ông Doanh nhấn mạnh.

Cần có điều khoản đề phòng và tăng cường quản lý

Từ những phân tích trên, ông Cường kiến nghị, nếu không bổ sung thêm phạm vi nợ công thì Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) phải có các điều khoản để đề phòng rủi ro từ nợ công tiềm ẩn và quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn vay.

Bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp của Tổ chức Oxfam - cho rằng, Việt Nam cần tăng cường quản lý nợ công dựa trên 3 nguyên tắc chính. Đó là, cần xem xét và áp dụng một số thông lệ quốc tế về định nghĩa và thống kê nợ công. Bên cạnh việc tăng cường quản lý nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ bảo lãnh, Việt Nam cần xây dựng cơ chế quản lý đối với nợ của DNNN và nợ từ hệ thống tín dụng.

Một vấn đề nữa cần được quan tâm, đó là tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã có hướng dẫn cụ thể chế độ báo cáo và công bố thông tin về nợ công như: nợ công phải được báo cáo chi tiết theo từng chủ nợ, công cụ nợ, đồng tiền nợ, kỳ hạn và lãi suất với tần suất và báo cáo hằng tháng. Do đó, Việt Nam cần quy định cụ thể nội dung này trong Luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công thông qua việc công bố các tài liệu ngân sách và các dự án đầu tư theo quy định của Luật NSNN 2015 và Luật Đầu tư công 2014. Đồng thời, Nhà nước có thể mở rộng không gian tham gia của người dân trong quá trình quản lý, giám sát các hoạt động này.

Liên quan đến việc giám sát nợ công, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Nghĩa - thành viên Tổ soạn thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - đề xuất, Chính phủ cần có quy định cụ thể về tần suất thực hiện giám sát cũng như quy định xử lý sau giám sát, bởi vấn đề này chỉ thực sự mang lại ý nghĩa khi kết quả của nó được xử lý và khắc phục trên thực tế.
THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017
Cùng chuyên mục
  • Sau năm cao điểm 2018, sẽ kiểm toán toàn diện các công ty nông lâm nghiệp
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- “Sau năm cao điểm thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, sang năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
  • Ứng dụng công nghệ cao  trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn về việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp thông minh (nông nghiệp 4.0).
  • Đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đặt ra yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình đổi mới vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có những bước chuyển mạnh mẽ về chính sách và sự quyết liệt trong hành động để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cũng như góp phần cơ cấu lại NSNN.
  • Phát động Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tài chính
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mới đây, BộTài chính đã phát động cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tàichính” nhằm nêu bật những kết quả, thành tích đạt được trong công tác tàichính, ngân sách, khẳng định vai trò của ngành Tài chính đối với sự nghiệp xâydựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua giải, Bộ Tài chính hy vọng sẽ nhậnđược những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng nền tài chính quốcgia vững mạnh.
  • Năm 2018: Tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trên cơ sở nhìn nhận rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, bất cập trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra trong năm 2018 đó là phải tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế với nhiều giải pháp đồng bộ.
Nợ công tăng nhanh - cần đề phòng rủi ro và tăng cường quản lý