Nỗ lực của trường nghề phải đi liền với trách nhiệm, sự vào cuộc của doanh nghiệp

Nhấn mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải tăng cả quy mô lẫn chất lượng đào tạo, TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, sự nỗ lực từ phía hệ thống GDNN là chưa đủ, mà các DN cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình và tham gia tích cực hơn vào hoạt động GDNN, đào tạo theo đúng nhu cầu, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động để phát triển đất nước.

vndungvvv.jpg
TS. Trương Anh Dũng. Ảnh: Tổng cục GDNN

Thưa ông, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề của người lao động trong bối cảnh hiện nay?

Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển, hội nhập thì yêu cầu về nguồn lao động chất lượng để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế là vô cùng bức thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đang bùng nổ với những dự báo vừa đáng mừng, vừa đáng lo cho thị trường lao động Việt Nam.

Dự thảo Đề án Nâng tầm Kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo đặt mục tiêu: Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại DN được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản; tiến tới phổ cập kỹ năng, năng lực cơ bản cho người lao động vào năm 2030. Thúc đẩy vai trò dẫn dắt của DN trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao và chuẩn hóa bậc trình độ kỹ năng nghề gắn với việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới.

Bên cạnh đó, theo “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0” năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kỹ năng thấp chính là “rào cản” đối với lao động trẻ Việt Nam trong thị trường việc làm. Khi công nghệ được áp dụng phổ biến giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng suất lao động của người lao động thì người lao động chậm đổi mới, tụt hậu chắc chắn sẽ bị đào thải.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu và kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo, đặc biệt là GDNN, bởi đây chính là nơi đào tạo nguồn lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, làm ra của cải vật chất. Ngành GDNN còn đóng vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển nguồn nhân lực. Với bản thân người lao động, đào tạo nghề chính là cơ hội để người lao động được nâng cao kỹ năng tay nghề, làm chủ công việc, tạo ra năng suất lao động cao hơn, khẳng định giá trị của bản thân trong công việc, từ đó mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bản thân, gia đình.

Thực trạng hoạt động GDNN hiện nay ra sao, thưa ông?

Hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước với hơn 1.900 cơ sở đào tạo 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực. Giai đoạn 2016-2020 (trước thời điểm dịch bệnh) tuyển sinh của các trường nghề đạt trên 11 nghìn người (đạt 103% kế hoạch, tăng 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015.

dao-tao-cnc-3.jpg
Hệ thống GDNN đang thực hiện đổi mới, song vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng. Tuy nhiên, thách thức cho hệ thống GDNN trong việc góp phần dẫn dắt, định hướng phát triển nguồn nhân lực vẫn rất lớn.

Trong đó, nhận thức về học nghề vẫn đang là rào cản. Dù thông điệp học nghề để lập thân, lập nghiệp đang được truyền thông rộng rãi, nhưng thực tế nhiều DN hiện nay vẫn tuyển lao động phổ thông. Cơ cấu sản xuất, công nghệ chưa được cải tiến mạnh khiến cho DN vẫn tổ chức đào tạo các kỹ năng rất đơn giản cho người lao động, chưa chú trọng nâng cao kỹ năng, cập nhật mới theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và xu thế thế giới. Bên cạnh đó, vẫn còn một khoảng cách về nhận thức khi nhiều phụ huynh vẫn không muốn cho con đi học nghề.

Về phía trường nghề, để nâng cao chất lượng đào tạo, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo, đặc biệt là khối công lập. Nghị quyết của Trung ương đặt chỉ tiêu giảm 10% các cơ sở GDNN công lập nhưng thực tế những năm qua đã giảm 13%. Tuy nhiên vẫn còn sự chồng chéo, lãng phí khi cùng một địa bàn vẫn có nhiều trường đào tạo cùng một ngành, nghề…

Định hướng đổi mới, phát triển hệ thống GDNN trong thời gian tới đó là vừa phải tăng cả quy mô lẫn tăng chất lượng, đẩy mạnh tự chủ của các trường nghề. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở GDNN buộc phải đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, thay đổi phương thức đào tạo.

Các trường nghề phải tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Bên cạnh đào tạo chính quy, đào tạo trực tiếp thì đẩy mạnh đào tạo vừa học, vừa làm, đào tạo tại DN.

Cách tiếp cận đúng đắn đang được ngành GDNN triển khai quyết liệt thời gian vừa qua để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đó là coi trọng vai trò của DN trong hoạt động GDNN. Ông có thể nói rõ hơn về định hướng này?

DN đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động đào tạo GDNN. Điều này được thể hiện rõ trong định hướng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt là trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về tăng cường hoạt động đào tạo gắn kết với DN. Các Nghị quyết Đại hội của Đảng đều đã xác định có cơ chế chính sách để gắn kết đào tạo với DN, tăng cường sự quản lý của nhà nước về nhân lực và đào tạo nhân lực theo nhu cầu thị trường.

Những chủ trương này cũng được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cụ thể hóa thành những quyết sách từng bước đi vào cuộc sống. Theo đó, Luật GDNN năm 2014 đã quy định về quyền và trách nhiệm của DN trong hoạt động GDNN; Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN cũng quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của DN trong hoạt động GDNN...

ld-2018.jpg
Để nâng cao chất lượng lượng, hiệu quả đào tạo nghề rất cần sự tham gia tích cực của DN. Ảnh tư liệu

Thời gian qua, nhiều cơ sở GDNN đã kết nối chặt chẽ với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập tại DN cũng như tuyển dụng sau khi sinh viên tốt nghiệp. Đây là cơ sở để nhiều trường ký cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, việc gắn kết giữa DN với GDNN nhìn chung vẫn còn lỏng lẻo, việc liên kết chủ yếu là đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại DN, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất. Việc mời DN tham gia xây dựng chương trình, đánh giá người học chỉ diễn ra ở một số cơ sở đào tạo chưa phổ biến trong toàn hệ thống.

Để khắc phục hạn chế đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiều lần có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc quyền quản lý thực hiện gắn kết nhà trường với DN trong đào tạo. Tổng cục GDNN cũng có công văn gửi các cơ sở GDNN hướng dẫn thực hiện gắn kết với DN trong hoạt động GDNN; đồng thời phối hợp gửi thư ngỏ tới các DN tham gia hoạt động GDNN, phân tích rõ trách nhiệm và quyền lợi của DN khi tham gia hoạt động GDNN… Mới đây nhất, Tổng cục GDNN đã thiết kế chương trình đào tạo dành cho người làm công tác quản lý ở DN để họ trở thành giảng viên tham gia vào quá trình đào tạo; thậm chí đã mở ra cơ chế cho phép trường đào tạo 40% thời gian trong DN.

Điều quan trọng lúc này, đó là cùng với sự nỗ lực đổi mới của hệ thống GDNN, mỗi DN cần phải quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp, tham gia đào tạo GDNN. Chỉ khi DN vào cuộc thì mới thấy được giá trị, lợi ích to lớn mà GDNN mang lại, trong đó nguồn lao động có kỹ năng tay nghề cao sẽ phục vụ cho nhu cầu phát triển, đổi mới của DN, từ đó góp chung vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hay nói cách khác, DN tham gia đào tạo GDNN chỉ có lợi, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Nỗ lực của trường nghề phải đi liền với trách nhiệm, sự vào cuộc của doanh nghiệp