Đà Nẵng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(BKTO) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Đà Nẵng đã tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để đưa các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

cach-thay-doi-thong-tin-tren-vssid_1280x720-800-resize(1).jpg
Trên địa bàn Thành phố hiện có 563.734 người tham gia BHXH, BHYT đăng ký tài khoản giao dịch điện tử. 
Ảnh minh họa

Hơn 563.700 người đăng ký tài khoản giao dịch điện tử

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, BHXH TP. Đà Nẵng đã ban hành và tích cực triển khai Kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, BHXH Thành phố đã triển khai 25 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và 15 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 2 dịch vụ công thanh toán trực tuyến; đồng thời tổ chức tốt việc triển khai giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT tới các đơn vị sử dụng lao động đạt tỷ lệ 100%.

Đến nay, có 563.734 người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID - BHXH số.

Đặc biệt, ứng dụng VssID được nâng cấp thêm nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, như: Cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản); hỗ trợ tra cứu, quét mã QRCode thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân để tự động điền các thông tin mã số BHXH, họ tên, số căn cước công dân… tạo thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh.

Cùng với đó, việc sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT được BHXH Thành phố triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả cao.

Tính đến ngày 17/10/2022, số lượng xác thực lấy số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn Thành phố là 661.588 trường hợp; toàn Thành phố đã có 72 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 94.162 lượt tra cứu, trong đó có 77.237 lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.

BHXH Thành phố dự kiến đến ngày 31/12/2022 sẽ xác thực lấy số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 966.089 trường hợp; 100% cơ sở y tế triển khai tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh bằng căn cước công dân thay cho thẻ BHYT bằng giấy; hơn 151.000 người thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID…

Ngoài ra, thủ tục tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình đã thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công ngành BHXH. Đồng thời, 100% hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện liên thông với đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú; trung bình hằng tháng cấp khoảng 800 thẻ BHYT cho trẻ em…

mg96341-16487159863822100913617(1).jpg
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: VGP

Lấy lợi ích của người dân làm trung tâm

Ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng - nhấn mạnh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện lợi, hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Hiệp, thời gian tới, đơn vị tiếp tục xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành, với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT. Tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin và hoàn thiện cơ sở dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, từ đó người tham gia được quản lý tập trung thống nhất tại BHXH Việt Nam; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia cũng như mục tiêu hiện đại hóa hoạt động của ngành BHXH.

Ngoài ra, BHXH cũng đẩy mạnh quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản các chương trình công nghệ thông tin; thường xuyên cập nhật phiên bản mới các phần mềm nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; bảo đảm các phần mềm hoạt động thông suốt, đáp ứng yêu cầu của các phòng nghiệp vụ và BHXH quận, huyện. Mặt khác, tập trung nghiên cứu các phần mềm nghiệp vụ của ngành nhằm kịp thời đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện các phần mềm.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện đưa hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên cổng tiếp nhận đề nghị thanh toán BHYT; hỗ trợ các cơ sở trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng chế độ BHXH, giấy chứng sinh, giấy ra viện trực tiếp trên cổng tiếp nhận. Nghiên cứu, triển khai tập huấn, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng quản lý, hoạt động nghiệp vụ.../.

Cùng chuyên mục
Đà Nẵng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế