Nỗ lực cùng ASOSAI đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Theo đánh giá của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III, cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDG” đã được chuẩn bị, tổ chức, triển khai thực hiện một cách kỹ lưỡng, bài bản và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần quan trọng trong thành công chung của Tổ chức ASOSAI trong giai đoạn KTNN Việt Nam làm Chủ tịch.

mt.jpg
Kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nội dung trọng tâm của KTNN Việt Nam. Ảnh minh họa: ST

Hợp tác kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Cuộc kiểm toán hợp tác trên khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 do KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 chủ trì với thông điệp “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Đồng thời, cuộc kiểm toán một lần nữa khẳng định sự cần thiết, tính hiệu quả và xây dựng nền tảng nhằm khuyến khích việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI thành viên gắn với chủ đề phát triển bền vững; cũng như góp phần thúc đẩy việc triển khai các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác cùng phát triển giữa các SAI trong hoạt động kiểm toán môi trường; khẳng định những lợi ích, nỗ lực và đóng góp của cộng đồng ASOSAI cho việc thực hiện các SDG.

Kết quả kiểm toán đã đánh giá toàn diện những nỗ lực, giải pháp, cũng như những mặt làm được của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nguồn nước gắn với việc thực hiện “Mục tiêu cụ thể 6.5 - Quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế” thuộc SDG 6, đồng thời phản ánh những tồn tại, hạn chế cũng như cảnh báo rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công.

Trên cơ sở đó, các SAI đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp hữu ích nhằm góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc thực hiện các SDG của từng quốc gia nói riêng và toàn thể cộng đồng lưu vực sông Mê Công nói chung.

Ông Hoàng Văn Lương, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III nhấn mạnh, cuộc kiểm toán là minh chứng cho việc vận dụng thành công Hướng dẫn 9000 về Kiểm toán hợp tác giữa các SAI của INTOSAI, Mô hình ISAM và phương pháp “tiếp cận toàn Chính phủ”, cũng như việc áp dụng linh hoạt các phương pháp kiểm toán phù hợp trong bối cảnh bình thường mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức, thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác còn một số tồn tại, hạn chế.

Một là, trong số 3 quốc gia có SAI tham gia cuộc kiểm toán hợp tác chỉ có Việt Nam và Thái Lan là thành viên Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, gây khó khăn cho SAI Việt Nam đưa ra đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công và việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho vùng hạ lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2016-2020.

Trong 6 quốc gia có sông Mê Công chảy qua, chỉ có Việt Nam là thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1992 về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế; vì vậy, không thể vận dụng các điều khoản trong cam kết quốc tế này để xây dựng các tiêu chí kiểm toán cũng như kiến nghị các quốc gia có liên quan tuân thủ đầy đủ quy định quốc tế trong bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công.

Hai là, do bối cảnh của cuộc kiểm toán diễn ra vào thời điểm dịch Covid-19 dẫn đến một số kế hoạch khảo sát, kiểm tra tại hiện trường của các SAI phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Các kiểm toán viên không có cơ hội đi thực địa tại một số quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công cũng như làm việc trực tiếp tại trụ sở Ủy hội sông Mê Công quốc tế như ý tưởng ban đầu.

Ba là, công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi, thảo luận chủ yếu được thực hiện qua hình thức trực tuyến, nên vẫn có sự giới hạn nhất định trong việc chia sẻ kiến thức, thông tin và kinh nghiệm kiểm toán.

Bốn là, việc theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chủ yếu được thực hiện độc lập bởi các SAI; chưa có đơn vị chủ trì tổng hợp, rà soát lại kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của cuộc kiểm toán; chưa đánh giá được một cách tổng thể các giá trị gia tăng đem lại của cuộc kiểm toán cho toàn lưu vực.

mc.jpg
Cần bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công. Ảnh: ST

Những bài học kinh nghiệm quý

Ông Hoàng Văn Lương chia sẻ, trên cơ sở đánh giá thực trạng, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, KTNN Việt Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán hợp tác trong tương lai.

Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI nói chung và đối với chủ đề liên quan đến SDG nói riêng là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, SDG… đang là những vấn đề toàn cầu được đặc biệt quan tâm, đồng thời là trách nhiệm của mọi quốc gia, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng giải quyết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.  

Thứ hai, đối với một cuộc kiểm toán hợp tác, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có thể quyết định đến sự thành công của cuộc kiểm toán. Một chủ đề với mục tiêu kiểm toán phù hợp với mục đích, lợi ích và mối quan tâm của các bên tham gia sẽ nhận được sự ủng hộ và có tiềm năng đem lại các giá trị gia tăng lớn.

Thứ ba, việc vận động, kêu gọi các SAI thuộc các quốc gia có cùng tham gia hiệp định, điều ước quốc tế sẽ giúp các SAI có cơ sở lựa chọn tiêu chí kiểm toán chung; từ đó, đưa ra kiến nghị kiểm toán tới các quốc gia có liên quan trên cơ sở quy định quốc tế mà các quốc gia này là thành viên.

Thứ tư, SAI chủ trì phải thực hiện tốt vai trò điều phối, chủ trì phối hợp và trao đổi thống nhất với các SAI tham gia nhằm hướng tới sự đồng thuận, nhất quán về mục tiêu chung của cuộc kiểm toán, tránh tình trạng mỗi SAI thực hiện theo từng mục tiêu, nội dung kiểm toán khác nhau, dẫn đến không đạt được mục tiêu chung sau khi kết thúc cuộc kiểm toán.

Thứ năm, cuộc kiểm toán nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng ISSAI và các phương pháp tiếp cận kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế là yếu tố quan trọng trong việc định hướng, giúp các kiểm toán viên xem xét, đưa ra những phân tích, đánh giá mang tính chất tổng thể, toàn diện đối với công tác xây dựng, triển khai hệ thống chính sách về quản lý tài nguyên nước, gắn với các SDG của Chính phủ, thay vì chỉ đánh giá hoạt động của một đơn vị hay chương trình đơn lẻ.

Sáng tạo, đổi mới và không ngừng học hỏi để lựa chọn phương pháp kiểm toán phù hợp trong từng bối cảnh cụ thể sẽ giúp các SAI nói chung và các kiểm toán viên nói riêng có thể thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán, góp phần nâng cao giá trị của các kết luận và kiến nghị kiểm toán một cách rõ rệt.

Thứ sáu, tổ chức các hội thảo, đào tạo hoặc buổi họp kỹ thuật giữa các SAI để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, phương pháp kiểm toán trước khi thực hiện kiểm toán sẽ giúp trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ kiểm toán viên và tăng cường sự thấu hiểu giữa các bên tham gia. Ngoài ra, sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn của các chuyên gia bên ngoài có kiến thức, kinh nghiệm về chủ đề kiểm toán góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng của cuộc kiểm toán.

Thứ bảy, kiểm toán hợp tác là nhu cầu cần thiết để hỗ trợ sự phát triển và nâng cao kiến thức chuyên môn tổng quát của các kiểm toán viên nhà nước từ việc chia sẻ kiến thức, thông tin, phương pháp tiếp cận và bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện kiểm toán. Việc chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm sẽ mở rộng tầm nhìn cũng như mở ra một góc nhìn mới cho các SAI về hành động của Chính phủ nước mình so với Chính phủ các nước khác làm cơ sở để đưa ra những kiến nghị phù hợp với bối cảnh quốc gia; đây là phương pháp hiệu quả giúp các SAI thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình./.

Cùng chuyên mục
Nỗ lực cùng ASOSAI đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững