Nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024.

1(4).jpeg
Quang cảnh Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024. Ảnh: CP

Đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội

Về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ thống nhất đánh giá: Nhờ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn", tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KTXH; tạo nền tảng, tạo đà, khí thế mới, tâm thế mới, tạo niềm tin, tạo hi vọng, tạo động lực mạnh mẽ để hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Tốc độ tăng GDP quý IV ước 7,55%, cả năm tăng 7,09% so với năm 2023, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, nâng quy mô nền kinh tế đạt khoảng 476,3 tỷ đô la Mỹ (USD), đứng thứ 33 thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,63%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao trong khi đã thực hiện tăng lương, điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với năm 2023; tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15,08%, vượt mục tiêu đề ra.

Thu NSNN tăng mạnh, vượt 19,8% dự toán trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN được kiểm soát tốt; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023; xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp ở mức 24,77 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, là mức thực hiện cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh đầu tư toàn cầu sụt giảm.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng chung. Nông nghiệp phát triển ổn định, xuất siêu nông sản đạt 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%; bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống…

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được thúc đẩy vượt bậc

Nghị quyết cũng đánh giá: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được thúc đẩy vượt bậc, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực; hoàn thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối sau hơn 06 tháng thi công thần tốc; trình Quốc hội việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ vướng mắc để đưa vào khai thác các dự án điện năng lượng tái tạo có giá trị trên 13 tỷ USD. Đưa vào sử dụng 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km; phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung chuẩn bị đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Liên Chiểu. Đã phê duyệt 63/63 quy hoạch tỉnh, 34/38 quy hoạch ngành quốc gia; công bố 06 quy hoạch vùng, phê duyệt 47 kế hoạch thực hiện quy hoạch.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.

Kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, "đột phá của đột phá" với tinh thần đổi mới tư duy, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật. Đã trình Quốc hội thông qua 28 luật, 24 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 18 dự án luật; điều chỉnh thời điểm hiệu lực thi hành sớm một số luật; sửa đổi Luật Đầu tư công, thông qua Luật sửa 9 luật lĩnh vực tài chính, 4 luật lĩnh vực đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW để chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo phương châm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy để trình Bộ Chính trị và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ; đã ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 51/51 đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai nghiêm túc. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện...

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích

Bước sang năm 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; năm khởi động, chuẩn bị của nhiệm kỳ 2026 - 2031 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; chúng ta vừa phải tập trung thực hiện để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN. Thống nhất chủ đề điều hành của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội, "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, tạo đà thuận lợi, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2021 - 2025…

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt sâu sắc và quyết liệt triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng, thiết thực, hiệu quả, khắc phục cho được những hạn chế, tồn tại đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra; tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tết Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Hoàn thiện 2 Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2025

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2025, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành (trong đó, giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, thu NSNN năm 2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 01/2025).

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết trước ngày 20 tháng 01/2025.

Về Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cùng thời điểm ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2025…/.

Cùng chuyên mục
Nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025