Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương

(BKTO) - Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.



                
   

Tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng tại 01 cây xăng. Ảnh: VOV

   

Có tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương

Bộ Công Thương cho biết, vài ngày qua, trên địa bàn TP.HCM có tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, một số cửa hàng xăng dầu hết hàng tạm thời. Đến 17h ngày 10/10/2022, trên địa bàn thành phố có 03/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%).

Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn.

Tại tỉnh Bình Phước, đến ngày 10/10 có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hầu hết ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) dừng hoạt động (chiếm 6,5%); 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 02 cửa hàng hết dầu còn xăng (tương ứng chiếm 5% và 0,48%). Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Còn tại tỉnh An Giang có 30 cửa hàng tuy vẫn mở cửa nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh An Giang, Sở đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng Sở chỉ chấp thuận cho 02 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%).

Tại tỉnh Hậu Giang, cập nhật đến 14h ngày 10/10 có 21/211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, dầu (chiếm 9%); 07 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, còn dầu (chiếm 3%) và có một số thương nhân đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 05/128 cửa hàng xăng dầu đóng cửa (chiếm 3,9%). Nguyên nhân đóng cửa là không mua được đủ hàng (đặc biệt là mặt hàng RON 95) từ các đầu mối cung cấp hàng, chiết khấu thấp. Ngoài ra, Sở cũng nhận được 8 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhưng Sở chưa có văn bản chấp thuận...

Doanh nghiệp đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng

Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo lý giải của Vụ Thị trường trong nước là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Báo cáo của các doanh nghiệp gửi Bộ Công Thương cho thấy, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống. Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.
         
Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil tồn kho khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...

Để khắc phục triệt để tình trạng trên, Bộ Công Thương đã và đang kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt), đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua.

Có như vậy mới bảo đảm tính đúng, tính đủ giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Theo đó, nhiều địa phương như TP.HCM, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Ngành bán lẻ Việt Nam bứt phá hậu đại dịch
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong hai năm qua do hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam được cho là sẽ có những bước tiến lớn trong năm 2022. Điều này được thể hiện khá rõ qua sự tăng trưởng nhanh chóng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có bán lẻ với sự hỗ trợ của đa kênh.
  • "Nhuộm đỏ" 801 cổ phiếu, VN-Index về sát mốc 1.000 điểm
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Áp lực bán mạnh tiếp tục được duy trì suốt phiên giao dịch chiều, trong khi cầu bắt đáy chỉ dè dặt mua vào khiến VN-Index lùi gần về mức 1.000 điểm.
  • Xây dựng chuỗi cung ứng, phát triển nông nghiệp bền vững Vùng đồng bằng sông Cửu Long
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đóng góp vào 32% GDP toàn ngành, Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển. Vấn đề đặt ra hiện nay, đó là cần phải thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất gắn với tiêu thụ, với nhiệm vụ trọng tâm là hình thành các chuỗi cung ứng, tăng kết nối giữa các khâu… giúp ngành nông nghiệp Vùng khai thác hiệu quả hơn tiềm năng phát triển.
  • Cần cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo trong các trường nghề
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Tấn Dũng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần nghiên cứu tạo ra cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn...
  • Chính phủ và doanh nghiệp: Đã “giải tốt” bài toán khó
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến cao vượt mục tiêu và cao nhất trong khu vực. Thành quả này phải kể đến sự “đồng cam cộng khổ”, đồng hành vượt khó giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã “giải tốt” bài toán khó.
Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương