(BKTO) - Một vài năm gần đây DN nợ thuế có xu hướng tăng và cơ quan Thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ.




Ngành Thuế cần đồng hành, động viên DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế. Ảnh: T.S
Tuy nhiên, trước tình trạng các DN vẫn tiếp tục chây ì, trong tháng 7/2015, Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM đã công bố danh sách gần 100 DN nợ thuế lớn trên địa bàn với số tiền nợ thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.

Theo Báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN năm 2014 về niên độ ngân sách năm 2013 vừa công bố: Nợ thuế có xu hướng tăng qua các năm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng so với số thu nội địa (trừ dầu thô). Năm 2011, nợ thuế 35.117 tỷ đồng; năm 2012 là 55.056 tỷ đồng; năm 2013 là 69.342 tỷ đồng. Nếu loại trừ nợ tiền sử dụng đất và tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và tiền phạt chậm nộp do ngành Thuế quản lý, nợ thuế trong các năm từ 2011 đến 2013 tương ứng là 26.844 tỷ đồng, 47.012 tỷ đồng và 49.279 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân nợ thuế tăng là do kinh tế Việt Nam và thế giới khó khăn nên nhiều DN kinh doanh thua lỗ, không có nguồn để nộp thuế; nhiều DN có nguy cơ phá sản, bỏ trốn, không có khả năng thanh toán nợ thuế; tình trạng chuyển đổi chủ sở hữu của các DN nợ thuế và bỏ trốn ngày càng gia tăng; một số DN vay vốn ngân hàng, làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả. Bên cạnh đó, tình trạng chiếm dụng vốn giữa các DN, nợ xấu của ngân hàng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thu nợ thuế. Một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng gặp rất nhiều khó khăn do Chính phủ thắt chặt chi tiêu công, thị trường trầm lắng, tỷ lệ giao dịch thấp nên không có nguồn để thanh toán các khoản nợ thuế.

Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân trên, theo KTNN, kết quả kiểm toán tại 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013 cho thấy, công tác quản lý nợ đọng thuế tại một số địa phương còn hạn chế. Cụ thể: Một số Cục Thuế chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế, chưa kiên quyết cưỡng chế thu nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Thông tư số 157/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Nhiều trường hợp cơ quan Thuế thực hiện phân loại nợ thuế không đúng theo hướng dẫn tại Quyết định số 1395/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế về quy trình quản lý nợ thuế, tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ thuế; Một số trường hợp, cơ quan Thuế xác định nợ và thông báo nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời.

Vẫn theo KTNN, về cơ bản, cơ quan Thuế các địa phương được kiểm toán đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách. Song qua kiểm toán chọn mẫu hồ sơ thanh tra, kiểm tra tại một số Cục Thuế cho thấy còn hạn chế như: Biên bản thanh tra ghi không rõ ràng, đầy đủ theo quy trình; chưa xử phạt vi phạm hành chính sau khi thanh tra, kiểm tra; xử lý không phù hợp quy định; chưa phân tích doanh thu, đánh giá rủi ro của DN để xác định DN cần kiểm tra.

Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành Thuế đã thu được 18.900 tỷ đồng tiền nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang (trên tổng số 72.500 tỷ đồng nợ thuế của toàn hệ thống tính đến 30/5/2015). Trong đó 15.400 tỷ đồng thu bằng biện pháp quản lý nợ, 3.500 tỷ đồng thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ.

Để đôn đốc thu hồi nợ thuế, hàng năm, cơ quan Thuế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp quản lý nợ, đôn đốc, xử lý thu nợ (từ năm 2011-2014 đã thu được 101.800 tỷ đồng số tiền thuế nợ của năm trước chuyển sang năm sau; bình quân thu được 25.450 tỷ đồng/năm, đạt tỷ lệ 60%). Tuy nhiên, số nợ đọng xử lý thu được chưa đảm bảo theo tốc độ tăng thu và quy mô thu NSNN ngày càng tăng, dẫn đến tỷ trọng nợ thuế do ngành Thuế quản lý trên tổng thu NSNN vẫn ở mức cao, số tiền nợ tuyệt đối vẫn tăng nhanh qua các năm. Bên cạnh đó, công tác xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế còn chậm; nhiều khoản thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi nhưng không đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ để được xóa nợ thuế, dẫn đến việc các cơ quan quản lý thuế vẫn phải thực hiện theo dõi, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế lên cao qua các năm.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ của năm 2015, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo 63 Cục Thuế tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thu tiền thuế nợ trong phạm vi quản lý. Các Cục Thuế chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan Thuế thành lập các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng thuế.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Thuế Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu cơ quan Thuế tiếp tục phân loại chính xác tình hình nợ thuế của DN và nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là ngành Thuế đồng hành cùng DN, động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh vừa có tiền nộp nợ thuế. Đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố lớn, cơ quan Thuế sẽ tiến hành phân tích nợ của từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, nắm chắc tình hình thực hiện dự án, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính... để áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thích hợp. Riêng đối với Hà Nội, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, trong đó, tỷ lệ nợ thuế chiếm 12% và kéo dài nhiều năm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Cục Thuế Hà Nội cần phải làm rõ số nợ thật và thực hiện đúng các giải pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn, kê biên tài sản... theo quy định của Luật Quản lý thuế.

THU HƯỜNG
Cùng chuyên mục
  • Siết sở hữu chéo ngân hàng: Quan trọng vẫn là thực thi
    9 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Vớiyêu cầu đưa tỉ lệ sởhữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng (TCTD) về đúng quy định, Thông tư06/2015/TT-NHNN (Thông tư 06) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2015, được kỳvọng sẽ góp phần giảm tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạtđộng ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Cơ sở để siết sở hữu chéo đã có songquan trọng là các quy định của Thông tư này phải được thực thi một cách hiệu quả.
  • Tăng trưởng tín dụng: “Lượng” phải gắn liền với “chất”
    9 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tăng trưởng tín dụng là điểm nhấn trong bức tranh tiềntệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm. Do đó, việc hoàn thành, thậm chívượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 13% đến 15% vào cuối năm nay củangành Ngân hàng là “trong tầm tay”. Tuy nhiên, để tăng trưởng tín dụng thực sựkhởi sắc, yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong những thángcuối năm 2015 là mở rộng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo an toàn, chất lượng.
  • Huy động trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn
    9 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO)- Nếu như trong vòng 3năm trước đây (2012-2014), trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành đến đâu bán hếtđến đó và khoảng 80% lượng TPCP phát hành do ngân hàng thương mại (NHTM) muavào thì sang năm 2015, điều này không còn tiếp diễn. Đến ngày 18/6,
  • Tăng cường quản lý để phát huy hiệu quả vốn ODA
    9 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO)-Ngày 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họpthứ 9. Tại đây, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đã đề nghị Phó Thủ tướng chobiết Chính phủ có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong khicó nhiều quốc gia từ chối vay vốn ODA còn Việt Nam vẫn vay vốn ODA quá cao vànhiều khoản vay thực hiện chưa có hiệu quả.
  • Quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập: Bài toán cần có lời giải phù hợp
    9 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nhiều thươngvụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng đã được thông qua trong mùa Đại hộiđồng cổ đông năm 2015. Điều này cho thấy lộ trình M&A đang đi đúng hướng,giúp loại bỏ những ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống. Tuy nhiên, bài toán vềquản trị, điều hành như thế nào cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả và nâng cao “sứckhỏe” của các ngân hàng sau sáp nhập là điều đang được dư luận quan tâm.
Nợ thuế vẫn tăng qua các năm