Nơi những hành trình tiếp nối

(BKTO) - Khi kim đồng hồ chỉ vào 0h ngày01/01/2017 cũng là thời điểm Đà Nẵng tròn 20 năm trở thành thành phố trực thuộcTrung ương. 20 năm chưa phải quá dài nhưng cũng đủ thời gian cho một hành trìnhvới nhiều dấu ấn. Rũ bỏ lại phía sau sự nghèo nàn, chật hẹp, TP. Đà Nẵng hômnay đã khoác trên mình tấm áo mới sau hành trình 20 năm, để rồi nhớ lại nhữngnăm tháng đã qua, mỗi người dân đều cảm thấy xúc động, tự hào.



Đà Nẵng xưa và nay
Gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của quê hương qua mấy chục năm, ông Phan Văn Tân (phường Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) không quên những ngày đầu Đà Nẵng mới tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày ấy, đường sá chật hẹp và nhiều khi chỉ cần một cơn mưa lớn đã ngập lụt, lầy lội. Bên kia bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà như một khu ổ chuột với những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, quay lưng lại với biển cả. Vậy mà giờ đây, ra ngõ là thấy những con đường thênh thang. Trên con đường thơ mộng trải dài bên bờ biển Mỹ Khê mang tên cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những nhà hàng, khách sạn, những khu resort mọc lên san sát, khang trang và hiện đại.

Còn với ông Văn Phú Long - cán bộ BHXH của TP. Đà Nẵng, dấu ấn về ngày khánh thành cây cầu đầu tiên vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Sáng sớm ngày 29/3/2000, giây phút dải băng đỏ được cắt cùng với những tràng pháo tay rộn rã cũng là lúc người dân đôi bờ sông Hàn vỡ òa niềm vui và xúc động. Ai cũng muốn được đặt chân lên cây cầu Sông Hàn - chiếc cầu quay đầu tiên của cả nước được khánh thành sau 2 năm xây dựng, với 30% kinh phí đóng góp của người dân trong tổng số 117 tỷ đồng. Từ đấy, những chuyến phà chầm chậm bỗng lùi nhanh vào dĩ vãng và cầu sông Hàn hiện ra như cánh tay khổng lồ đưa TP. Đà Nẵng vươn mình ra biển cả.

Việc đăng cai tổ chức APEC tháng 11/2017 là cơ hội vàng để Đà Nẵng quảng bá du lịch với cộng đồng quốc tế
Ảnh: TS

Đà Nẵng giờ đây có gần chục cây cầu. Những sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước… được coi là huyết mạch của thành phố, góp phần kết nối đồng bộ đô thị và nhiều công trình trọng điểm khác. Mỗi cây cầu một hình hài, dáng dấp nhưng tất cả đều gợi nhớ thương trong tâm hồn những người con Đà Nẵng khi xa quê.

Cùng với những cây cầu, không gian đô thị của Đà Nẵng giờ đây đã tăng gấp 4 lần so với năm 1997; từ chỗ chỉ có 360 đường phố, nay đã có hơn 2.000 con đường. Những địa danh Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm… được đánh thức và tái tạo để trở thành những khu du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng.

Trên chuyến xe đưa du khách từ TP. Đà Nẵng đi thăm cố đô Huế, cô hướng dẫn viên xinh đẹp đã gợi lại câu chuyện của nhiều năm trước. Nếu trước trong hành trình du lịch Huế - Đà Nẵng, du khách thường lấy cố đô Huế làm trọng tâm còn Đà Nẵng chỉ là điểm dạo chơi trong thoáng chốc thì giờ đây ngược lại. Đà Nẵng luôn là điểm dừng chân lâu nhất của du khách trong hành trình nhiều ngày khám phá dải đất miền Trung. Năm 2016, Đà Nẵng thu hút 5,6 triệu lượt khách du lịch, gấp 27 lần so với năm 1997. Con số này được Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cách đây chưa lâu. Đây là một trong những điểm nhấn của tấm áo mới mà TP. Đà Nẵng đang khoác trên mình sau hành trình 20 năm đổi mới.

Tiếp nối hành trình kiến tạo tương lai
20 năm với định hướng táo bạo, đúng đắn mở rộng không gian đô thị về hướng sông, hướng biển, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã nỗ lực đưa thành phố vươn mình ra biển lớn. Trên chuyến tàu đi về tương lai, Đà Nẵng lại đang hối hả chuẩn bị cho một cuộc hành trình hướng tới Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017. Việc đăng cai tổ chức Diễn đàn này vào tháng 11/2017 là cơ hội vàng để Đà Nẵng xúc tiến, quảng bá du lịch với cộng đồng quốc tế.
Chỉ còn chưa đầy 10 tháng, APEC 2017 sẽ diễn ra. Đây chính là khoảng thời gian để thành phố gấp rút hoàn thành việc chỉnh chang các tuyến đường ven biển, xây dựng và nâng cấp nhà hàng, khách sạn, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất đón khách từ 4-6 triệu hành khách/năm, cải tạo Trung tâm báo chí… Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ APEC 2017 tạo điều kiện để Đà Nẵng đẩy mạnh loại hình du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm.

Đại diện một trong những đơn vị được giao trọng trách chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ APEC 2017, Phó Tổng giám đốc Furama resort Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho biết: Furama đã sửa sang, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có. Đặc biệt, Trung tâm Hội nghị và triển lãm quốc tế Ariyana Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng, diện tích trên 4.000m2 nhằm phục vụ cho các hoạt động hội nghị, hội thảo tại Tuần lễ APEC đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 4/2017. Bên cạnh đó, Furama còn kết hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng mở các lớp đào tạo nhân viên khách sạn từ 2-5 sao. Tại những lớp học này, nhiều tình huống cụ thể được đặt ra để giúp học viên đúc rút kinh nghiệm. Furama còn kết hợp với các trường nghề của Đà Nẵng để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tiếp xúc, hướng dẫn khách hàng, ẩm thực… “Đón khách là những nguyên thủ quốc gia phải đảm bảo an ninh an toàn, chuẩn mực trong lễ tân. Bởi vậy, nhân lực cần được đào tạo một cách bài bản”- ông Quỳnh chia sẻ.

Hành trình hướng tới APEC 2017 của Đà Nẵng đang dần rút ngắn. Nhưng, con đường đi tới tương lai luôn rộng mở và kết thúc hành trình này lại là một hành trình khác. Trong câu chuyện đầu xuân với phóng viên, Phó Tổng giám đốc Furama Nguyễn Đức Quỳnh đã nhìn xa về một hành trình mới của Đà Nẵng sau APEC. Đó là hành trình phát triển du lịch bền vững. Muốn vậy, du lịch Đà Nẵng phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh từ sự khác biệt, chẳng hạn như hình thành những trang trại sản xuất hoa màu, những khu phố ẩm thực, chợ đêm… Không có con đường nào dẫn tới thành công lại trải đầy hoa. Nhưng, tin rằng, với tầm vóc, sức trẻ của tuổi đôi mươi, Đà Nẵng sẽ “tận dụng cơ hội và kiến tạo thành công tương lai”.
ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
Nơi những hành trình tiếp nối