Phải đánh giá toàn diện các yếu tố khi lập quy hoạch vùng ĐBSCL

(BKTO) - Chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tiếp thu tối đa ý kiến của địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời đánh giá toàn diện, khoa học các yếu tố tác động lên ĐBSCL.




Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc họp diễn ra sáng 27/5 tại Trụ sở Chính phủ. Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều chuyên ngành khác nhau, đại diện các cơ quan nghiên cứu quốc tế.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành (26) và quy hoạch tỉnh (20). Nhiệm vụ làm cơ sở lập quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên theo Luật Quy hoạch 2017 được nghiên cứu.

Trong phiên họp hôm nay, Hội đồng đã nghe Bộ KH&ĐT - cơ quan lập quy hoạch, trình bày tóm tắt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, các chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định đã phát biểu nhiều ý kiến về nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL.

Theo đó, đa số thành viên Hội đồng, các chuyên gia phát biểu đồng tình, đánh giá cao với các nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch này; thống nhất với các nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận quy hoạch, các nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức thực hiện…

Các ý kiến cho rằng quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng được xem là cầu nối giữa các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh (liên kết theo chiều dọc). Đồng thời cũng là cơ sở để đảm bảo sự kết nối, liên kết phát triển giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các tỉnh trong vùng (liên kết theo chiều ngang).

Nói cách khác, nhiệm vụ chính của quy hoạch vùng là giải quyết vấn đề liên kết phát triển, bao gồm liên kết ngành và liên kết không gian nhằm đảm bảo tối ưu hóa các nguồn lực phục vụ sự phát triển chung của toàn vùng. Đồng thời, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng lấn giữa các ngành, cạnh tranh giữa các địa phương dẫn đến phát triển manh mún, phân tán và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả.

Các đại biểu cũng phát biểu, làm rõ, cụ thể thêm nhiều nội dung đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất, sự biến động của dòng chảy thượng nguồn diễn ra phức tạp hơn nhiều so với dự báo.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ra đề bài đúng để có quy hoạch chất lượng

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng, đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học, trên cơ sở đó hoàn thiện các nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL trình Chính phủ.

Nhất trí với nhận định của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

Gồm 13 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích tự nhiên hơn 4 triệu ha (chiếm khoảng 12% diện tích cả nước) với quy mô dân số hơn 17 triệu người (chiếm khoảng 19% dân số cả nước), ĐBSCL có lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo.

Hiện nay, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Hằng năm nơi đây sản xuất 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức do tác động của cả tự nhiên và con người, vì vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những tác động của tự nhiên, con người… là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

“Phải nghiên cứu một cách toàn diện, khoa học, trên cơ sở đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức, những tác động bên trong, bên ngoài để thực hiện tái cấu trúc kinh tế vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng đây chính là ra “đề bài” cho việc tổ chức triển khai lập quy hoạch.

“Chỉ khi đưa ra được các định hướng đúng, yêu cầu đầy đủ thì mới có thể triển khai lập quy hoạch thuận lợi và có chất lượng tốt”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng, nhiệm vụ lập quy hoạch vùng cần phải xác định được các yêu cầu về nội dung nghiên cứu để khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, từng địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Những vấn đề đưa vào quy hoạch vùng phải có tính định hướng cao, mang tính chiến lược, không đi vào các vấn đề cụ thể sẽ vừa hạn chế sự sáng tạo, vừa khó triển khai thực hiện.

Do đó, vai trò của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đặc biệt quan trọng. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp thu tất cả ý kiến của các chuyên gia, đại biểu, các ngành, địa phương.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Không cứng nhắc, hạn chế sự sáng tạo

Trong quá trình lập quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần đánh giá tổng thể, toàn diện thực trạng của ĐBSCL, cả khó khăn, thuận lợi, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình quản lý, phát triển ĐBSCL. Đồng thời, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển các khu vực tương tự, rà soát các quy hoạch hiện có, tiếp thu những nội dung phù hợp.

Quy hoạch vùng ĐBSCL phải phù hợp với các quan điểm, mục tiêu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược phát triển kinh tế biển… nhưng không bất biến, phải được cập nhật thường xuyên, nghiên cứu tính kế thừa và phát triển. Quy hoạch phải dự báo được các cân đối lớn của vùng, dựa trên cơ sở tích hợp theo mức độ quy hoạch vùng.

“Cái khó là tích hợp những gì, tích hợp đến đâu để không cứng nhắc, không hạn chế sự sáng tạo, không ôm đồm”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, quy hoạch phải đảm bảo tính tổng thể, liên kết, đồng bộ; thể hiện sự phân công hợp tác, không bị xung đột, chồng lấn, trùng lặp, bỏ sót; sự liên kết với các vùng, với quốc tế.

Quy hoạch vùng ĐBSCL phải khẳng định được đặc thù riêng của vùng, dựa trên cơ sở tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, đánh giá đầy đủ các tác động bên ngoài, bên trong, do tự nhiên, con người, của bối cảnh trong nước, quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch vùng ĐBSCL phải thể hiện được định hướng các quy hoạch cứng (khung hạ tầng phải có tầm nhìn dài hạn), quy hoạch mềm (kinh tế, xã hội, các kịch bản ứng phó nước biển dâng trong từng giai đoạn), xác định được các định hướng ưu tiên của vùng trong từng giai đoạn, đề xuất được cơ chế quản lý vùng phù hợp.

Theobaochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
Phải đánh giá toàn diện các yếu tố khi lập quy hoạch vùng ĐBSCL